Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đây, hơn 30% số ca tử vong giao thông đường bộ và khoảng 62% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu vượt giới hạn cho phép. Đây thực sự là con số đáng báo động về tình trạng mất ATGT khi sử dụng rượu bia tại Việt Nam.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới đây, hơn 30% số ca tử vong giao thông đường bộ và khoảng 62% bệnh nhân chấn thương nhập viện có nồng độ cồn trong máu vượt giới hạn cho phép. Đây thực sự là con số đáng báo động về tình trạng mất ATGT khi sử dụng rượu bia tại Việt Nam.
Thêm gánh nặng cho ngành y tế
Thống kê của WHO chỉ ra, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu người chết, hơn 50 triệu người bị thương, thiệt hại kinh tế ước tính 518 tỷ USD vì TNGT đường bộ. Tại Việt Nam, chỉ tính riêng trong năm 2012, đã có hơn 9.500 người chết và 37.736 người bị thương vì TNGT. Thiệt hại trung bình khoảng 32.600 tỷ đồng/năm (tương đương 2,8% GDP). Đáng lo ngại hơn là số vụ TNGT đang có xu hướng ngày càng tăng.
Một trong những nguyên nhân khiến số người chết vì TNGT liên tục tăng trong khoảng 10 năm trở lại đây là tình trạng sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện. Tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông đang khiến tình trạng mất ATGT trở nên phức tạp. Dự báo đến năm 2020, TNGT sẽ là nguyên nhân đứng thứ ba có khả năng cướp đi sinh mạng của người dân (chỉ sau hai căn bệnh thiếu máu và trầm cảm).
Theo điều tra của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam đứng thứ 3 châu Á về tiêu thụ bia (chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc) với 2,7 tỷ lít; dự báo năm 2015, sản xuất và tiêu thụ bia của Việt Nam đạt con số 4 tỷ lít. Đây hẳn là điều đáng mừng, không chỉ cho nhà sản xuất mà còn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn tự hỏi, việc chất lượng sống được "nâng cao" (qua lượng bia rượu tiêu thụ) có thực sự đáng để mừng hay không, khi số vụ cũng như tỷ lệ người chết và bị thương do sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông tiếp tục tăng? Và khi câu trả lời còn bỏ ngỏ thì có một thực tế không thể phủ nhận, TNGT đang thực sự trở thành gánh nặng cho ngành y tế.
Cần sự phối hợp của cả cộng đồng
Các chính sách nhằm giảm thiểu TNGT những năm qua của Chính phủ đã và đang góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh các hành vi vi phạm luật giao thông khi sử dụng rượu bia. Mặc dù số người chết vì TNGT vẫn cao so với kỳ vọng nhưng số vụ và số người bị thương đã giảm đáng kể qua các năm. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, do lực lượng thực thi công vụ trên đường còn thiếu, nên trong thời gian qua mới chỉ xử lý được khoảng 3% số trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc ban hành các chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, tăng cường lực lượng thực thi công vụ xử lý thường xuyên các vi phạm là giải pháp trọng tâm cần được ưu tiên.
Theo khảo sát của Ủy ban ATGT Quốc gia, Việt Nam hiện có khoảng 27 triệu người trong độ tuổi từ 16 tới 30. Trên thực tế, có tới 75% số vụ TNGT có liên quan tới rượu bia xảy ra ở nhóm đối tượng có độ tuổi dưới 40. Việc xử lý các trường hợp thanh thiếu niên uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đang là bài toán khó. Vì vậy, nguy cơ TNGT ở độ tuổi này cũng là nghiêm trọng nhất. Để thay đổi nhận thức về những mối nguy hiểm, cũng như ý thức chấp hành luật giao thông của người trẻ, tập thể gia đình, bố mẹ, người thân, cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội sẽ là lực lượng đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, "cuộc chiến" rượu bia với TNGT thực chất là "cuộc chiến" giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Giống như trường hợp của thuốc lá, sẽ rất khó để hạn chế được lượng người uống rượu bia khi tham gia giao thông nếu các phương tiện thông tin đại chúng vẫn ngày ngày quảng cáo sự hấp dẫn của các loại đồ uống có cồn. Ông Hiệp cho biết thêm, hiện Ủy ban ATGT Quốc gia đang thực hiện dự án tuyên truyền cùng các nhà sản xuất đồ uống. Theo đó các đơn vị này sẽ in thông tin với nội dung xoay quanh khuyến cáo "Đã uống đồ uống có cồn thì không lái xe". Tuy nhiên, hiện mới chỉ có hai doanh nghiệp tham gia là hãng bia Tiger và Heineken, nhưng lại làm theo kiểu "cho có" (tức dòng chữ in trên bao bì rất nhỏ và khó quan sát). Trong khi các doanh nghiệp đồ uống có cồn của Việt Nam lại tỏ ra khá dửng dưng! Đây là điều rất đáng để suy ngẫm, bởi đó không thuần túy là vấn đề chính sách, mà còn là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị