Nghệ An: Xử lý xe quá khổ, quá tải - cần tận gốc và đồng bộ

Thứ năm, 30/05/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hầu hết các tuyến QL trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An lâu nay đang kêu cứu vì tốc độ xuống cấp nhanh chóng do xe quá khổ, quá tải tàn phá. Công an tỉnh cũng đã tổ chức các đợt cao điểm xử lý nghiêm và quyết liệt các loại xe trên, bước đầu đã lập lại kỷ cương. Tuy nhiên, để xử lý xe quá khổ, quá tải hiệu quả thì cần phải xử lý tận gốc và đồng bộ.
Hầu hết các tuyến QL trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An lâu nay đang kêu cứu vì tốc độ xuống cấp nhanh chóng do xe quá khổ, quá tải tàn phá. Công an tỉnh cũng đã tổ chức các đợt cao điểm xử lý nghiêm và quyết liệt các loại xe trên, bước đầu đã lập lại kỷ cương. Tuy nhiên, để xử lý xe quá khổ, quá tải hiệu quả thì cần phải xử lý tận gốc và đồng bộ.

Tuyến QL1 lâu nay lưu lượng xe “siêu trường”, “siêu trọng” khá dày, nhiều đoạn dù đã nâng cấp nhưng vẫn bị phá vỡ kết cấu, lún võng, lồi lõm. Điển hình như các đoạn ở Diễn An (Diễn Châu) cả tuyến dài gần 2 km đều bị “lượn” sóng vồng lên, đó là “di chứng” của những vệt bánh xe quá tải để lại. Nhiều đoạn chi chít ổ voi, ổ gà, làm đọng nước mỗi khi trời mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phương tiện tham gia giao thông.

Đi trên tuyến QL 48C đoạn từ ngã ba Săng Lẻ thường thấy những “hung thần” chở nguyên cả những khối đá trắng chẳng cần che đậy bạt cứ thế rú ga bỏ lại phía sau khói bụi mù trời. Loại xe này thường chở trên 100 tấn, hơn gấp 3 tải trọng. Đáng sợ nhất là loại “xe reo”, loại xe “4 không”: không gương, không kính, không biển số, không đăng kiểm chở những khối đá khổng lồ lắc lư từ mỏ đá về xưởng chế biến, tai hoạ giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Được biết, loại xe này chủ yếu là nâng cấp, không rõ nguồn gốc, mang trên mình quá nhiều lỗi nhưng chẳng hiểu vì sao vẫn hoạt động ngang nhiên ở Quỳ Hợp. Chị Vi Thị L ở Tam Hợp bức xúc: “Loại xe này đi tới đâu hỏng đường tới đó, gây ô nhiễm khói bụi, xe cấm lưu hành mà cứ nghênh ngang chiếm cả lòng, lề đường…”.

Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, từ trong năm 2012, Giám đốc Công an tỉnh đã có Công văn số 1755 ngày 29/8/2012 “về việc xử lý xe ô tô chở quá tải, quá khổ trên địa bàn Nghệ An”. Tiếp đó thực hiện Công điện 95 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện đường bộ chở hàng quá trọng tải và chở quá số khách quy định. UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1557/UBND ngày 1/4/2013 giao cho lực lượng Công an tỉnh, công an các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng “tăng cường xử lý xe ô tô chở quá tải, quá khổ.”

Trung tá Trần Đình Khương - Đội trưởng Đội CSGT 1-5 cho biết: Lưu lượng xe tải trọng lớn hàng ngày chạy trên tuyến QL 1 khá nhiều, trong đó có khoảng trên 10 doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh chuyên chở xi măng. Thực hiện công văn chỉ đạo UBND tỉnh và Công an tỉnh Nghệ An về việc xử lý xe quá khổ quá tải, Đội CSGT 1-5 đã tăng cường lực lượng kiểm tra lưu động, cắm chốt trên các tuyến đường, kiên quyết xử lý, buộc hạ tải trọng đối với các loại xe chuyên chở xi măng, vật liệu xây dựng.

Tính từ ngày 1/4 đến thời điểm này, Đội đã xử lý gần 200 xe quá khổ, quá tải, chủ yếu là xe tải, xe sơ-mi-rơ-moóc, truy thu nạp ngân sách Nhà nước trên 500 triệu đồng. Theo ông Khương, thì chế tài xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải chưa đủ sức răn đe. Nghị định 71/CP/2012 của Chính phủ mới chỉ quy định xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm, chứ chưa xử phạt các đối tượng liên quan đến việc xếp hàng hóa vượt tải trọng cầu đường. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tải trọng nhiều lần. Thực tế mỗi xe vi phạm quá khổ quá tải chỉ mới phạt từ 2-2,5 triệu đồng/xe.

Nhiều lái xe đã ý thức được vấn đề xe chở quá tải quá khổ là vi phạm, tuy nhiên lái xe chẳng qua là người “lái thuê” cho doanh nghiệp, nên phải nghe theo ông chủ, chở hàng càng nặng, càng chạy được nhiều chuyến thì càng có lợi nhuận. Ông Khương cho biết thêm: Quá trình triển khai xử lý xe quá khổ, quá tải đang gặp những khó khăn. Tuyến QL 1 dài gần 100 km, có 25 km đường tránh TP Vinh nhưng lực lượng Đội CSGT 1-5 mỏng, khi phát hiện xe vi phạm phải đưa xe đến các trạm cân tư nhân cách xa hàng chục km để cân tải trọng, chưa kể là Đội chưa có các bến bãi hạ tải, chưa có kho trông giữ hàng hoá …

Tuyến QL48 cũng đang phải oằn mình chống chọi với xe chở mía, đá trắng, chở keo nguyên liệu. Thời điểm này Đội kiểm soát giao thông 1 - 48 đang kiểm soát, yêu cầu hạ tải nhiều xe đá trắng, xe chở keo. Các loại xe chở đá được thiết kế trọng tải 20 tấn, nhưng hầu hết các xe đều chất hàng từ 80 - 90 tấn.

Thiếu tá Lê Thanh Nghị - Đội trưởng Đội Kiểm soát giao thông (KSGT) 1-48 cho hay: Để xử lý hiệu quả xe quá khổ quá tải, Đội đã cắt cử các lực lượng chốt chặn tại ngã ba Săng Lẻ xã Tam Hợp (Quỳ Hợp), đây là tuyến đường các xe vận tải chở đá trắng thường qua lại. Để đối phó với cảnh sát giao thông, các loại xe này thường đi vào các thời điểm 1-2 giờ sáng để trốn tránh, lợi dụng khi lực lượng “thay ca đổi kíp” để vận chuyển. Từ ngày 1/4, Đội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát lập biên bản xử lý được 143 trường hợp quá khổ, quá tải, chủ yếu là xe chở đá trắng và cây keo nguyên liệu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công văn số 1429/TCĐBVN-TTr ngày 12/4/2013 về việc “đồng loạt triển khai việc kiểm tra tải trọng xe lưu động trên đường bộ cả nước”. Tổng cục đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép trên các quốc lộ và đường địa phương. Các xe ô tô vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải khi kiểm tra, xử lý kiên quyết buộc phải hạ tải và chỉ cho lưu hành tiếp khi đúng tải trọng và khổ giới hạn theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo Tổng cục ĐBVN và Tổng cục VII.

Tuyến QL 7 lâu nay xe chở gỗ Lào quá khổ, quá tải thi nhau “hoành hành”. Được biết, các loại xe chở gỗ Lào thường chạy vào ban đêm trốn tránh đường tắt, đường Hồ Chí Minh. Đội KSGT 1-7 đã tích cực chốt chặn ở các điểm trọng yếu để yêu cầu đưa xe về Đội lập biên bản xử lý, hạ tải trọng. Đến thời điểm này, Đội đã xử lý được trên 100 xe quá khổ, quá tải, chủ yếu chở gỗ Lào. Hiện Đội đang cắm chốt để xử lý các xe bồn chở xi măng, chở các thiết bị máy móc, phục vụ cho thuỷ điện vi phạm quá khổ, quá tải.

Thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đồng loạt ra quân xử lý nghiêm hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải; buộc phải hạ tải và chỉ cho lưu hành tiếp khi chở hàng đúng tải trọng và khổ giới hạn theo quy định. Tính từ ngày 1/4 đến thời điểm này, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 782 trường hợp xe quá khổ quá tải, tạm giữ 31 xe, nạp ngân sách Nhà nước trên 1,1 tỷ đồng. Áp dụng các hình thức xử phạt khác như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của 650 trường hợp từ 30 đến 60 ngày.

Thượng tá Cao Minh Phượng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh cho biết: Khó khăn đặt ra hiện nay là các Đội KSGT trên địa bàn tỉnh chưa có bến để hạ tải, như Đội KSGT 1-7 phải mượn bến xe Đô Lương làm nơi để hạ tải. Đặc biệt là trên các tuyến QL chưa có các trạm cân nên phải di chuyển hàng chục km để thuê trạm cân tư nhân. Chưa kể là trong quá trình xử lý xe quá khổ, xe quá tải gặp sự phản ứng của nhiều doanh nghiệp vận tải. Khi bị tạm giữ xe nhiều lái xe không hợp tác với lực lượng công an. Cơ quan đăng kiểm các địa phương mới chỉ kiểm soát được đầu vào chứ chưa kiểm soát được hiện trạng của xe trong suốt thời gian vận hành. Hầu hết sau khi kiểm định xong, chủ phương tiện thường tự “chế” thay thùng, nhíp… để vận chuyển khối lượng hàng hóa nhiều hơn thiết kế.

Trong khi đó, các cơ quan đăng kiểm chưa có đủ lực lượng để kiểm tra đột xuất giữa kỳ kiểm định. Các xe siêu trường, siêu trọng và phần lớn các xe tải khác đang lưu hành ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng thời gian qua, hàng rào kỹ thuật kiểm soát tổng trọng lượng của xe nhập khẩu chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ. Hiện chưa có quy định cụ thể về kích thước thùng xe, giới hạn thùng chở hàng của các loại xe rơ moóc, xe container, xe xitec…

Để xử lý xe quá khổ, quá tải hiệu quả thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, các ngành liên quan, Nhà nước cần phải xây dựng thêm các trạm cân, bến bãi. Đặc biệt là cần xử lý đồng bộ xe quá khổ, quá tải, bởi trong khi Nghệ An kiên quyết xử lý thì các tỉnh khác chưa triển khai nên còn nhiều xe quá tải đi qua địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Nghệ An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)