Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 620 trường hợp xe quá tải trọng bị phát hiện và xử lý, bằng khoảng 80% so với cả năm 2016. Con số này phần nào phản ánh sự gia tăng và phức tạp của tình trạng xe vi phạm tải trọng qua địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra tải trọng phương tiện dọc tuyến QL 1A.
Một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các vi phạm về tải trọng thời gian gần đây là chi phí cầu đường tăng cao khiến chủ hàng, chủ phương tiện tìm cách giảm chi phí. Mặt khác, việc kiểm soát tải trọng của lực lượng chức năng tại các bến bãi đầu nguồn vẫn còn lơi lỏng. Trong khi đó, các cá nhân và chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuy đã ký cam kết không vi phạm các quy định về tải trọng, song vẫn lén lút không chấp hành.
Trước thực tế trên, nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ xe quá tải đã được triển khai. Bên cạnh việc hợp đồng với 5 điểm cân điện tử của doanh nghiệp để kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm tải trọng trên các tuyến Quốc lộ 19, 19B, 19C và 1D, thời gian qua, việc đưa trạm cân cố định tại Trạm CSGT Tuy Phước vào hoạt động đã góp phần phát hiện kịp thời những vi phạm về tải trọng. Cụ thể, qua hơn 1 tháng rưỡi, lực lượng chức năng đã dừng và kiểm tra khoảng 650 lượt phương tiện, phát hiện 77 trường hợp vi phạm về tải trọng.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Trưởng phòng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CA tỉnh cho biết: “Sau khi tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tập trung xử lý mạnh, nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về chở hàng quá khổ, quá tải ở xe tải nặng, container, xe chở vật liệu xây dựng…, tình trạng vi phạm đã cơ bản được kiểm soát và có phần giảm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì công tác này để ổn định tình hình”.
Được biết, năm 2014, qua công tác cân kiểm tra tải trọng xe trên tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bình Định, đã có hơn 3.820 trường hợp xe quá tải trọng bị xử lý; năm 2015 là 438 trường hợp; năm 2016, số phương tiện vi phạm chở quá tải là 512 trường hợp, trong khi đó 6 tháng đầu năm nay là 490 trường hợp.
Trong khi ý thức tự giác của chủ hàng, chủ xe và lái xe chưa cao, thì giải pháp chính hiện nay vẫn là tăng cường xử lý liên tục và nghiêm minh nhằm kiểm soát tình trạng chở quá tải. Ông Tiết Đình Quang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, từng có ý kiến: “Đi đôi với công tác tuần tra, xử lý nghiêm đối với những vi phạm về tải trọng, thì việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông cao hơn trước cũng là giải pháp đánh mạnh vào kinh tế đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; bởi khi kinh tế bị ảnh hưởng, họ sẽ tự giác chấp hành quy định của pháp luật”.