Công tác đào tạo sơ cấp cứu nạn nhân TNGT đang được Y tế GTVT đẩy mạnh nhằm góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong và di chứng.
Bệnh nhân tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Giao thông vận tải. Ảnh Tạ Tôn
Củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến đủ năng lực
Bác sĩ CKII, Phó cục trưởng Cục Y tế GTVT Phạm Thành Lâm cho biết, đường bộ chiếm tới 94,56% số vụ và 96,09% số người chết, 96,43% số người bị thương trong tổng số TNGT.
Theo BS. Lâm, cấp cứu y tế là hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân. Tổ chức tốt công tác cấp cứu TNGT là việc rất cần thiết, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Khả năng đáp ứng cấp cứu thể hiện sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự phát triển của hệ thống y tế.
“Trong chiến lược về cấp cứu y tế TNGT đường bộ, cần xây dựng và củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến đủ năng lực đáp ứng tốt với cấp cứu tai nạn thương tích”, BS. Lâm bày tỏ và cho biết, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm TNGT và ùn tắc giao thông có hiệu quả hơn, ngay từ đầu năm 2019 - Năm ATGT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phê duyệt kế hoạch hành động với chủ đề “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe gắn máy”.
Hưởng ứng Năm ATGT, Cục Y tế GTVT đã xây dựng kế hoạch hành động xuống từng đơn vị y tế ngành GTVT.
Theo Cục trưởng Cục Y tế GTVT Vũ Văn Triển, đơn vị này đã yêu cầu các đơn vị y tế ngành GTVT tăng cường công tác cấp cứu ngoại viện và trong viện khi có TNGT để giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ di chứng sau tai nạn. Cùng đó, Cục Y tế GTVT cũng tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị thực hiện tốt việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho người điều khiển phương tiện giao thông trong mọi lĩnh vực đặc biệt những người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
“Cục cũng chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh, Trung tâm Dạy nghề y tế giao thông phối hợp Tổng cục Đường bộ VN, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, sở GTVT các địa phương, trung tâm đào tạo sát hạch lái xe tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu chấn thương do TNGT cho cán bộ thuộc các lực lượng thanh tra giao thông, tuần đường, tuần kiểm, cán bộ tại các đơn vị vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc, giáo viên các trường đào tạo lái xe, đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải”, ông Triển cho biết.
Cấp kinh phí cho giáo viên 3 miền dạy sơ, cấp cứu
Để nâng cao hiệu quả công tác sơ cấp cứu khi xảy ra TNGT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã cấp kinh phí đào tạo sơ, cấp cứu cho giáo viên dạy lái xe ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây là những cán bộ nòng cốt, do đó chương trình đào tạo hướng đến 2 mục tiêu là hình thành đội ngũ tiên phong tham gia sơ cấp cứu TNGT, những giáo viên này là người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt nội dung sơ, cấp cứu cho học viên lái xe tại trường. Giai đoạn 2014 - 2018, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Y tế GTVT phối hợp các đơn vị trong ngành đào tạo cho đối tượng trực tiếp tham gia giao thông trên đường bộ ở 3 miền Bắc, Trung, Nam cấp giấy chứng nhận được 874 học viên, thời gian đào tạo 3 ngày với nội dung đào tạo như trên.
BS. Phạm Thành Lâm cho rằng, công tác đào tạo chú trọng phân loại bệnh nhân tai nạn, phương pháp vận chuyển bệnh nhân, cố định xương gãy, ga-rô cầm máu, xử trí vết thương phần mềm, hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
BS. Lâm cũng khẳng định, mô hình sơ, cấp cứu TNGT đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cộng đồng, trở thành một trong những mô hình hiệu quả lớn, giúp giảm thiểu hậu quả do TNGT gây ra. Với những việc làm ý nghĩa, mô hình sơ cấp cứu TNGT đã nhận được sự quan tâm, đồng tình và thu hút nhiều thành viên tham gia hoạt động. Cùng đó, qua quá trình hoạt động các điểm sơ cấp cứu tình nguyện đã cứu giúp không ít nạn nhân bị TNGT thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhờ được sơ cấp cứu kịp thời, góp phần đáng kể vào việc giảm hậu quả đáng tiếc do TNGT gây ra.
PV