Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển, giúp hoạt động giao thương của người dân thuận lợi hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) do số lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng mạnh; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao...
Nhiều người dân còn chủ quan, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy
(ảnh chụp trên địa bàn xã Phủ Lý, huyện Phú Lương vào chiều ngày 22/10).
Theo thống kê của đội Cảnh sát giao thông trật tự (Công an huyện Phú Lương), năm 2018, qua tuần tra kiểm soát tại nhiều trục đường giao thông nông thôn thuộc các xã, thị trấn trong huyện, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. 9 tháng năm 2019, lực lượng chức năng của huyện phối hợp tổ chức được 14 ca tuần tra kiểm soát nhưng đã phát hiện, xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định, phương tiện giao thông không đủ gương theo quy định; không mang đầy đủ giấy tờ của phương tiện; điều khiển phương tiện giao thông vượt quá tốc độ cho phép…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp vi phạm nêu trên là do ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao. Ông Mã Quốc Kỳ, Trưởng Công an xã Phủ Lý cho biết: Mặc dù hằng năm chúng tôi vẫn phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền lồng ghép hoặc chuyên đề về Luật Giao thông đường bộ tại xã và một số xóm thường xuyên có người vi phạm và trường học nhưng một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan khi tham gia giao thông. Ngoài ra, hiện nay, do đường xá đi lại thuận tiện nên việc người dân sử dụng xe máy để đi ra ruộng, đưa đón con đi học, đi chợ… cũng nhiều hơn. Trong đó có nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định…
Bên cạnh nguyên nhân nêu trên, một trong những yếu tố cũng dẫn đến nguy cơ mất ATGT tại vùng nông thôn là đa số các trục đường liên xã, liên xóm được xây dựng với chiều rộng chỉ từ 3 - 5 mét; có nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu; nhiều đường nhánh và cây cối ven đường nên tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế. Do đó, nếu người tham gia giao thông đi với tốc độ cao hoặc không để ý sẽ khó xử lý kịp thời khi gặp tình huống bất ngờ.
Đại uý Nguyễn Việt Hà, Trưởng Công an xã Hợp Thành cho biết: Mới đây, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa giữa xe máy với xe tải. Nguyên nhân là do 2 phương tiện đi vào đoạn đường gấp khúc nên tầm nhìn bị hạn chế, người điều khiển xe máy lại chạy quá tốc độ, không đi đúng phần đường nên đã đâm va vào xe tải. Hậu quả là xe máy bị hư hỏng nặng, trên xe máy có 2 người thì lái xe bị thương nặng, phải cắt bỏ 1 chân trái, còn người ngồi sau bị thương nhẹ.
Ngoài ra, hiện nay, hệ thống biển báo trên các tuyến đường nhánh còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo về tốc độ, trọng tải, đoạn đường thường xảy ra tai nạn… Từ đó, không chỉ dễ xảy ra tai nạn mà còn khiến hệ thống đường giao thông nông thôn nhanh xuống cấp.
Trao đổi với chúng tôi về công tác đảm bảo ATGT trên địa bàn huyện, Thiếu tá Chu Việt Oanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an huyện Phú Lương cho biết: Hằng năm, cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với công an xã, thị trấn tuần tra, xử lý vi phạm ATGT. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên chúng tôi không thể phân công lực lượng tuần tra thường xuyên ở các xã, thị trấn. Trong khi đó, lực lượng Công an xã, thị trấn khi thực hiện tuần tra chỉ được nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm những lỗi nhỏ đối với xe mô tô, xe gắn máy nên chưa đủ sức răn đe người vi phạm.
Trong thời gian tới, ngoài việc tham mưu và phối hợp với Ban ATGT huyện trong công tác tuyên truyền, Đội Cảnh sát giao thông trật tự huyện sẽ tăng cường phối hợp kiểm soát tại cơ sở. Công an huyện cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Công an các xã, thị trấn, từ đó góp phần đảm bảo trật tự ATGT từ tuyến cơ sở.