Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Các lực lượng chức năng toàn tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và các chủ phương tiện đường thủy đảm bảo an toàn giao thông, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Toàn tỉnh hiện có 72 bến thủy nội địa và bến khách ngang sông, với 817 phương tiện đã đăng ký (trong đó, 220 phương tiện vận tải hành khách, 535 phương tiện vận tải hàng hóa, 62 phương tiện khác).
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý đối với các phương tiện giao thông đường thủy, bến thủy nội địa; chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ bến đò, phương tiện trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động các phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu.
Thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tặng thiết bị cứu sinh cho
chủ thuyền vận tải hành khách trên khu vực hồ sinh thái Na Hang.
Na Hang là một trong những địa phương có số lượng phương tiện đường thủy chiếm số lượng lớn trên địa bàn tỉnh với 34 thuyền chở khách và 16 thuyền du lịch. Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão, các ngành chức năng huyện Na Hang đã tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Là người nhiều năm gắn bó với nghề vận chuyển hành khách tuyến Bến thủy - Bản Lãm (Khau Tinh), anh Bàn Văn Thành, xã Sơn Phú hiểu rõ những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bản thân và hành khách khi di chuyển bằng đường thủy trên hồ sinh thái Na Hang. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, anh luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Anh Thành chia sẻ, anh thường xuyên chở khách đi tham quan lòng hồ thủy điện, trước khi khách lên thuyền, anh yêu cầu khách mặc áo phao đầy đủ, kiểm tra an toàn trước khi rời bến. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình đăng ký, thời gian đăng kiểm phương tiện, duy tu bảo dưỡng thuyền thường xuyên.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Na Hang cho biết, công tác kiểm soát phương tiện và các loại hình kinh doanh khác hoạt động lưu thông trên tuyến đường thủy hồ sinh thái Na Hang được Công an huyện thực hiện nghiêm theo kế hoạch, chuyên đề được giao.
Các phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa như không có đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị áo phao, phao cứu sinh... đều bị nhắc nhở hoặc xử lý theo đúng quy định. Nhờ chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, nên thời gian qua, trên địa bàn huyện không xảy ra tai nạn giao thông hoặc các vấn đề nóng về an ninh trật tự trên các tuyến đường thủy.
Ông Lương Văn Thủy, chủ thuyền tại bến đò Km53, thôn 7 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, được Ban An toàn giao thông huyện, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên ông nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy, nhắc nhở người dân chấp hành quy định mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi mỗi khi qua đò. Khi có mưa bão, gia đình ông dừng mọi hoạt động của bến, nhiều năm nay tại bến đò không để xảy ra tai nạn giao thông.
Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra các bến đò ngang sông trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.