Tình hình trật tự ATGT đường bộ năm 2010, những nguyên nhân và một số kiến nghị

Thứ tư, 20/04/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Báo cáo tham luận của Tổng cục đường bộ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Báo cáo tham luận của Tổng cục đường bộ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
1. Tình hình trật tự ATGT đường bộ năm 2010:
- Tình hình trật tự ATGT đường bộ năm 2010 đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa bền vững. Theo thống kê, trong năm 2010 cả nước xảy ra 13.713 vụ TNGT đường bộ (tính từ TNGT ít nghiêm trọng trở lên), làm chết 11.060 người, bị thương 10.306 người, so cùng kỳ năm 2009 tăng 1.915 vụ (tăng 16,23%), giảm 31 người chết (giảm 0,28%), tăng 2.652 người bị thương (tăng 34,65%); tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 126 vụ, chết 389 người, bị thương 311 người, so với năm 2009 giảm 17 vụ, giảm 53 người chết, giảm 156 người bị thương, trong đó, có 21 vụ do xe khách gây ra, làm chết 68 người, bị thương 162 người. Có 39 địa phương giảm số người chết, 23 địa phương tăng số người chết, 01 địa phương số người chết không tăng không giảm.
- Số vụ TNGT trên hệ thống quốc lộ chiếm 57% tổng số vụ TNGT đường bộ, số người chết chiếm 44%, số người bị thương chiếm 68%.
- TNGT đường bộ tại các khu vực đô thị lớn bước đầu được kiềm chế tuy nhiên đây là khu vực có số vụ tai nạn, số người chết hoặc số người bị thương lớn hơn so với các khu vực khác. Tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn thường xuyên xảy ra. Tại một số địa phương, khu vực miền núi, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, TNGT có xu hướng gia tăng, cụ thể trong năm 2010: tỉnh Gia Lai: xảy ra 208 vụ làm chết 226 người bị thương 180 người tăng 13 vụ và 12 người chết so với năm 2009; tỉnh Kiên Giang xảy ra 156 vụ chết 150 người, bị thương 136 tăng 9 vụ, 26 người chết, 29 người bị thương so với năm 2009 v.v…
- Trên một số quốc lộ TNGT năm 2010 đã gia tăng, cụ thể: tuyến N2 đã xảy ra 30 vụ làm chết 7 người và 47 người bị thương tăng 25 vụ, 5 người chết và 42 người bị thương so với năm 2009; QL70 xảy ra 243 vụ, chết 31 người và 208 người bị thương tăng 25 vụ, giảm 11 người chết và 4 người bị thương so với năm 2009; riêng đối với QL1 xảy ra 2.278 vụ, chết 909 người bị thương 2.352 người giảm 185 vụ (7,5%), giảm 124 người chết (12%) và giảm 316 người bị thương (11,8%) so với năm 2009 v.v… Tỷ lệ TNGT đường bộ trên 10.000 đầu phương tiện cơ giới đường bộ trong năm 2010 là 4,17 vụ, 3,37 người chết (mục tiêu đề ra là 4,5) và 3,14 người bị thương giảm so với mục tiêu đề ra. Theo phân tích về tình hình TNGT trong năm 2010 đối tượng ô tô chiếm 22,99%; mô tô chiếm 72,89% còn lại là đối tượng khác. Tuy nhiên so sánh thấy rằng nếu tính trên đầu phương tiện thì tỷ lệ số ô tô gây tai nạn cao gấp 10 lần mô tô và thiệt hại thường nghiêm trọng hơn.
2. Phân tích nguyên nhân gây TNGT đường bộ:
2.1. Nguyên nhân chung:
Theo kết quả phân tích nguyên nhân gây TNGT của 13.713 vụ năm 2010:
- Do người điều khiển phương tiện: chiếm 70,3% số vụ, trong đó:
+ Đi sai phần đường: chiếm 18,1% số vụ;
+ Tránh vượt sai quy định: chiếm 16,4% số vụ;
+ Vi phạm tốc độ: chiếm 19,1% số vụ;
+ Chuyển hướng không quan sát: chiếm 16,8% số vụ.
- Do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật: chiếm 11,5% số vụ;
- Do cơ sở hạ tầng và các nguyên nhân khác: chiếm 18,2% số vụ.
Qua số liệu thống kê năm 2010, đối với các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai qui định, tranh giành khách chiếm 80% trong tổng số vụ nghiêm trọng. Vì vậy, công tác tuyên truyền phổ biến cưỡng chế thi hành theo pháp luật để làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông là hết sức quan trọng.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tuy đã được Đảng và Chính phủ ưu tiên đầu tư nhưng chưa đáp ứng được so với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông.
Ngoài ra tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp: tình hình bão lũ, triều cường cũng góp phần ảnh hưởng đến ATGT.
2.2. Nguyên nhân khác:
- Một số chính quyền địa phương nhất là ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ATGT.
- Các vụ vi phạm HLATGTĐB chưa được kịp thời phát hiện và xử lý đúng mức.
- Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của CSGT, thanh tra giao thông còn hạn chế và mỏng lực lượng, cơ sở vật chất chưa được đồng bộ đầy đủ.
- Ở các vùng nông thôn, công tác tuyên truyền giáo dục luật giao thông đường bộ còn yếu. Số vụ và số người chết do TNGT liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh sinh viên chiếm tỷ trọng còn lớn.
- Tình trạng giao thông hỗn hợp trên đường bộ vẫn là phổ biến gây xung đột lớn, ảnh hưởng đến ATGT.
- Công tác quản lý HLATGTĐB của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
3. Một số kiến nghị để giảm thiểu TNGT đường bộ:
Nhằm giảm thiểu TNGT đường bộ và triển khai thực hiện kế hoạch “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ” gắn với việc thực hiện “Chiến lược an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó cần nêu rõ công việc cụ thể và mục tiêu cần đạt được trong từng năm; phấn đấu giảm TNGT cả 3 tiêu chí, trong đó phấn đấu đến năm 2020 giảm số người chết do TNGT đường bộ xuống còn 8 người trên 100.000 dân.
Để đạt được mục tiêu trên, Tổng cục ĐBVN có các kiến nghị cụ thể đối với từng nguyên nhân như sau:
3.1. Về xây dựng và tuyên truyền phổ biến giáo dục hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về ATGT:
- Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp lệnh về GTĐB gồm Luật GTĐB và các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến Luật GTĐB.
- Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về GTĐB phải làm thường xuyên, liên tục ở mọi lúc mọi nơi, trong trường học với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống để giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ ATGT và việc chấp hành luật lệ ATGT trở thành một hành động bản năng tự giác của mọi người, đi vào cuộc sống thường ngày của người dân.
- Tăng cường các hình thức: Tổ chức hội nghị tập huần đào tạo báo cáo viên tuyên truyền, phối hợp phương tiện thông tin đại chúng tăng thời lượng chương trình ATGT. Các Ban ATGT, Sở GTVT, Khu QLĐB cần thường xuyên tổ chức phát động các cuộc thi tìm hiểu Luật GTĐB, thi lái xe an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng như công đoàn, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ… trong việc tổ chức tuyên truyền cấp phát các băng đĩa, tài liệu, tờ rơi, băng rôn, xây dựng các phóng sự, phim tuyên truyền, tin, bài… để phổ biến ý thức pháp luật đến từng người dân. Tăng cường các hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống.
Ví dụ trong năm 2010: Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện: In phát tờ rơi tuyên truyền: 7.036.434 tờ; in sách tuyên truyền về luật GTĐB: 247.159 cuốn; dựng pano, băng rôn, áp phích: 23.089 chiếc; phát đĩa tuyên truyền về ATGT: 8.049 đĩa. Phối hợp với các địa phương họp với nhân dân tuyên truyền về phát luật ATGTĐB: 4.865.000 lượt người.
- Tăng dần các chế tài và mức phạt để cưỡng chế thi hành pháp luật về ATGT làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
- Xây dựng các thiết chế về văn hóa giao thông để mọi người đều biết và tự giác thực hiện.
3.2. Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
Mạng lưới đường bộ nước ta hiện có tổng chiều dài trên 279.927 km; trong đó bao gồm: 16.758 km quốc lộ, 25.449 km đường tỉnh, 51.721 km đường huyện, 17.025 km đường đô thị, 7.837 km đường chuyên dùng và trên 161.136 km đường xã. Do hệ thống đường bộ được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử nên có tiêu chuẩn và qui mô khác nhau, đặc biệt các đường miền núi có qui mô rất thấp; số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều; nhiều tuyến đường giao thông miền núi chưa đi lại được quanh năm. Để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cùng với sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ngày càng gia tăng cả về số lượng và chủng loại, nhất là các xe tải trọng lớn; trong năm 2010, toàn quốc đăng ký mới 183.648 ô tô, 2.959.300 mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký lên 1.694.575 ôtô, 31.155.154 mô tô. Phân tích số liệu đếm xe cho thấy mật độ phương tiện lưu thông lớn, gia tăng nhanh.
Mặc dù trong những năm qua Đảng và Chính phủ rất ưu tiên vốn cho phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông. Nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành và một số công trình khác được ưu tiên đầu tư. Diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện một bước đáng kể. Nhưng chưa đáp ứng được sự gia tăng nhanh của phương tiện giao thông. Vì vậy, nên tiếp tục có sự ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng tất cả các nguồn lực có thể trong đó chú ý ưu tiên xã hội hóa việc phát triển hạ tầng giao thông (như các hình thức PPP, BOT, BT v.v…).
Để thực hiện chiến lược đảm bảo trật tự ATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 thì vấn đề cốt lõi phải ưu tiên xây dựng được một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải và phù hợp với qui hoạch phát triển GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3.3. Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông:
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác quản lý bảo trì, bố trí trực gác đảm bảo giao thông thông suốt đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong các dịp nghỉ lễ tết, không để xảy ra ùn tắc giao thông lớn; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác phân luồng giao thông phục vụ các lễ hội…
- Đề nghị Chính phủ phê duyệt “Quỹ bảo trì đường bộ” để đáp ứng một phần cơ bản chi phí cho công tác lý quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ưu tiên vốn đầu tư cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, xử lý cầu yếu; phối kết hợp chặt chẽ với Cục CSQLHC về TTXH, chính quyền các địa phương trong việc tuần tra, kiểm tra HLATĐB, cấp phép đấu nối đường ngang; tăng cường công tác kiểm tra để xoá các vị trí xe dù, bến cóc, xử lý điểm đen mất ATGT trên đường bộ v.v…
3.4. Về quản lý phương tiện người lái:
- Hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về việc cấp GPLX, truyền số liệu qua mạng về cấp, đổi GPLX của các địa phương trên toàn quốc. Thực hiện tốt việc cấp đổi GPLX mới, quy chuẩn hóa công tác sát hạch lái xe theo phương pháp sát hạch điện tử kể cả lý thuyết và thực hành. Trong hệ thống thiết bị chấm điểm tự động có gắn camera, máy ảnh chụp tự động để đảm bảo minh bạch trong kết quả sát hạch.
- Tăng cường tuần tra kiểm soát tình hình giao thông và các hành vi của lái xe đặc biệt là nồng độ cồn của lái xe trong quá trình tham gia giao thông.
3.5. Về quản lý hành lang giao thông:
- Tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra trên các tuyến quốc lộ phát hiện xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đấu nối trái phép vào quốc lộ… Tiến hành kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tổng kết GĐ1, đẩy nhanh việc thực hiện GĐ2 và triển khai GĐ3 của Quyết định này.
- Để đảm bảo HLATĐB các công trình được đầu tư mới giai đoạn 2011 - 2020 và các năm sau, đặc biệt trên các đường cao tốc phải xây dựng hệ thống rào chắn cách ly hẳn với khu vực bên ngoài. Việc tổ chức giao thông ở các khu vực lân cận hai bên đường phải thông qua hệ thống đường gom đấu nối với quốc lộ ở vị trí thích hợp.
3.6. Một số kiến nghị khác:
- Đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt qui hoạch trung tâm tìm kiếm cứu hộ trên hệ thống quốc lộ và thực hiện đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất cho các trung tâm đó.
- Đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt qui hoạch, quy chuẩn hóa trạm dừng nghỉ để thực hiện trên toàn quốc, trước mắt là trên hệ thống đường cao tốc và quốc lộ.
- Đề nghị Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT đường bộ và kết nối mạng cho phép các đơn vị có liên quan khai thác dữ liệu để cung cấp số liệu để phân tích các nguyên nhân gây TNGT từ đó có các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu TNGT đường bộ.
- Khi duyệt các dự án đầu tư mới hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần đồng bộ với hệ thống kiểm soát ATGT và tăng cường áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên các hệ thống đường cao tốc.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ theo hướng tiến tới xóa dần tình trạng giao thông hỗn hợp. Đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT sớm ban hành qui định hướng dẫn đối với các công trình đường bộ xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo, tổ chức giao thông theo hướng bố trí làn dành riêng cho phương tiện xe gắn máy, xe thô sơ và người đi bộ, tránh xung đột trong tổ chức giao thông.
- Tăng cường vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là khu vực các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay Hà Nội mới đáp ứng 8%, Tp. Hồ Chí Minh là 7% nhu cầu.
- Có lộ trình hợp lý xóa dần hệ thống trạm thu phí nhà nước trên đường bộ, chỉ thu phí giao thông qua Quỹ bảo trì đường bộ. Các trạm thu phí cho dự án đầu tư theo hình thức BOT, PPP... áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng để tránh ùn tắc giao thông trên đường, giảm tai nạn và đảm bảo hoạt động dễ dàng cho mọi phương tiện.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)