Tăng mức xử phạt hành vi tái phạm điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia

Thứ tư, 08/07/2015 14:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là đề xuất được nhiều đại biểu đồng tình tại Hội thảo chuyên đề “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia” do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trường Đại học GTVT tổ chức tại Hà Nội, sáng nay (8/7).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của Tiểu ban Người tham gia giao thông (Diễn đàn ATGT giao thông Việt Nam) và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện nội dung để sớm tổ chức hội thảo này. Uỷ ban ATGT Quốc gia khẳng định, phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm nồng độ cồn vẫn là một trong những giải pháp quan trọng giảm thiểu TNGT.

“Hội thảo chuyên đề hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia của Tiểu ban Người tham gia giao thông là hoạt động quan trọng nằm trong chương trình công tác năm của Diễn đàn ATGT Quốc gia Việt Nam cũng như chương trình công tác Năm ATGT 2015 của Ủy ban ATGT Quốc gia, quy tụ nhiều chuyên gia nhà nghiên cứu cùng đưa ra những đóng góp tâm huyết về chủ đề kiểm soát người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn” - ông Nguyễn Trọng Thái cho biết.

Tăng mức xử phạt hành vi tái phạm điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia

Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Trọng Thái phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thái đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề chính. Trong đó, đánh giá thực trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn; khảo sát phân tích đánh giá yếu tố tâm lý của người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; nghiên cứu mối liên hệ giữa nồng độ cồn trong máu và mức độ chấn thương sọ não ở Việt Nam, trao đổi kiến thức kinh nghiệm trong việc xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

“Kết quả Hội thảo sẽ là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc tổ chức Hội nghị khoa học về ATGT năm 2015 vào cuối năm. Đồng thời còn là  một kênh thông tin quan trọng để giúp Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra các giải pháp, kiến nghị, đề xuất cụ thể, hiệu quả, phù hợp hơn đối với các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các giải pháp hạn chế vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, góp phần giảm TNGT từ nguyên nhân uống rượu, bia” - ông Nguyễn Trọng Thái nhấn mạnh . 

TS. Hoàng Đình Ban (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, trong nhiều chương trình hội thảo, các nhà khoa học dự báo các năm tiếp theo tình hình sản xuất rượu bia ở Việt Nam ngày càng tăng (ước tính 15%/năm). Sản lượng bia hiện nay chiếm khoảng 2,5 tỷ lít và có thể tăng lên 4 tỷ lít năm 2015. Ảnh hưởng của việc lạm dụng rượu, bia đối với phát triển kinh tế, đặc biệt đối với đảm bảo trật tự ATGT, các biện pháp hạn chế TNGT do rượu, bia là một bài toán khó cần có sự phối hợp đồng bộ các biện pháp.

TS. Hoàng Đình Ban đã đưa 4 giải pháp chính nhằm hạn chế TNGT do rượu, bia gây ra, trong đó tăng cường quản lý của Nhà nước về sử dụng rượu, bia; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức của các hội về sử dụng rượu, bia; bên cạnh đó, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phối hợp giữa các bộ, ban, ngành các cấp từ trung ương đến địa phương.

“Hạn chế TNGT do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm TNGT do sở dụng rượu, bia gây ra” - TS. Hoàng Đình Ban nhấn mạnh.

Tăng mức xử phạt hành vi tái phạm điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia

BS. Phạm Gia Anh (Bệnh viện Việt Đức) phát biểu tại Hội thảo

Theo BS. Phạm Gia Anh (Bệnh viện Việt Đức), TNGT chiếm hàng đầu tai nạn thương tích, trong 9 tháng đầu năm 2014 cấp cứu 27,677, trong đó TNGT 8,809 chiếm 38% cấp cứu chung, 75,8% cấp cứu tai nạn thương tích. Bộ phận thương tổn nhiều nhất là gãy xương, chấn thương vùng đầu, mặt, cổ, đặc biệt chấn thương sọ não. Các nạn nhân tử vong và nặng xin về hầu hết bị chấn thương sọ não (trên 70%) hoặc đa chấn thương. Năm 2012 là 559 ca, năm 2015 là 569 ca và năm 2014 là 272 ca.

“TNGT nguyên nhân hàng đầu cấp cứu và tử vong của tai nạn thương tích, chấn thương sọ não là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong. Việc uống rượu, bia làm tăng nguy cơ TNGT và chấn thương sọ não. Vì vậy, cần phải tăng cường giám sát, phòng chống TNGT đối tượng nguy cơ cao (thanh niên, nam giới…); cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp ATGT như không ướng rượu, bia khi lái xe, hoặc đã uống rượu, bia thì không lái xe” - BS. Phạm Gia Anh kiến nghị.

Tăng mức xử phạt hành vi tái phạm điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Tại Hội thảo, các đại biểu còn được nghe các chuyên gia và các nhà quản lý phát biểu, trao đổi thảo luận liên quan đến nguyên nhân dẫn tới hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông (TS. Trịnh Tú Anh, Đại học Tôn Đức Thắng); khảo sát phân tích yếu tố tâm lý của hành vi điều khiển xe máy nguy hiểm ở TP Hồ Chí Minh (TS. Vũ Tuấn Anh, Trường ĐH Việt Đức); xử lý hành vi tham gia giao thông với nồng độ cồn cao - bài học kinh nghiệm từ các nước (TS. Nguyễn Hữu Đức, Dự án TRAHUD) và phân tích hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông (TS. Lê Thu Huyền, ĐH GTVT).

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)