Thực hiện nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2015, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu phấn đấu tối thiểu 5% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương so với năm 2014. Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh lại tăng cả 3 tiêu chí.
Nỗ lực kiềm chế, TNGT vẫn tăng
Năm 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát phương tiện”, với khẩu hiệu hành động “Tính mạng con người là trên hết”, ngay từ đầu năm Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan thành viên, các đơn vị sở, ngành, doanh nghiệp, trường học và Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã đồng loạt ra quân triển khai các kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương trong tỉnh.
Mặc dù những kế hoạch công tác trọng tâm, trọng điểm được triển khai đồng bộ nhưng tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng cao trên cả 3 tiêu chí: Số vụ TNGT (tăng 31,8%), số người chết (tăng 66,7%) và số người bị thương (tăng 26,9%). Trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 29 vụ TNGT, làm chết 15 người, bị thương 33 người. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 7 vụ TNGT, số người chết tăng 06 người và số người bị thương tăng 07 người.
Thống kê cho thấy, 04 địa phương có tình hình tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí là huyện Ba Bể (xảy ra 8 vụ, chết 5 người, bị thương 12 người), huyện Bạch Thông (xảy ra 5 vụ, chết 01 người, bị thương 05 người), huyện Chợ Mới (xảy ra 4 vụ, chết 02 người, bị thương 06 người) và Thành phố Bắc Kạn (xảy ra 05 vụ, chết 04 người, bị thương 02 người). Các huyện: Chợ Đồn, Na Rì và Pác Nặm có số người chết không tăng. Huyện Chợ Đồn hiện có số vụ TNGT và số người bị thương ít nhất (xảy ra 01 vụ TNGT làm 01 người bị thương),giảm được 2 tiêu chí và không có người chết vì TNGT. Ngân Sơn tuy là huyện duy nhất giảm được cả 3 tiêu chí nhưng vẫn xảy ra 04 vụ TNGT, làm chết 02 người, bị thương 04 người.
Một điều đáng lưu ý là trong 29 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thì 12 vụ có đối tượng gây tai nạn là người ngoại tỉnh, 17 vụ đối tượng gây tai nạn là người trong tỉnh. Độ tuổi gây tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 22 – 30 tuổi.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn yếu kém, không chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông vẫn là lấn chiếm, đi không đúng phần đường quy định, tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát. Tai nạn giao thông thường tập trung trên quốc lộ và các tuyến có mật độ giao thông cao, khu đông dân cư.
"Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết"
Tăng cường kiểm soát nửa cuối năm
Trước tình hình tai nạn giao thông trong tỉnh diễn biến phức tạp, Ban An toàn giao thông tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông. Các chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội được tiếp tục triển khai, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân thực hiện pháp luật trật tự an toàn toàn giao thông. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ được siết chặt với việc duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần. Với việc trang bị cân tải trọng xe ô tô xách tay cho các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Ba Bể và Ngân Sơn đã tạo thành “gọng kìm” kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn tỉnh.
Ngành giao thông vận tải của tỉnh đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát phương tiện. Đồng thời đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện, kiểm soát chặt chẽ quy trình sát hạch, tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện, giám sát việc thực hiện quy định về đăng kiểm và niên hạn sử dụng của phương tiện. Mặc dù không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trên địa bàn nhưng để phòng ngừa với mục tiêu giảm thiểu tai nạn, Sở Giao thông vận tải tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết đình chỉ hoạt động của phương tiện thủy nội địa không đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được yêu cầu đầu tư xây dựng, khai thác hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Tình trạng người điều khiển xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến đường, nhất là ở đường liên thôn, liên xã. Thực tế này khiến công tác duy trì, bảo đảm an toàn giao thông gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT tăng cao trở lại. Ban an toàn giao thông tỉnh yêu cầu lực lượng công an tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là kiểm soát các vi phạm dễ gây tai nạn giao thông như chạy quá tốc độ, nồng độ cồn, đi không đúng là đường, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, không có giấy phép lái xe...
Để thực hiện mục tiêu giảm 5%– 10% như kế hoạch, trong khi nửa đầu năm tai nạn giao thông đã tăng ở cả 3 tiêu chí là thực tế đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng trong thời gian tới. Ngoài những giải pháp của lực lượng chức năng, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT đáng tiếc thì mỗi người khi tham gia giao thông cần nhận thức đúng đắn, tự bảo vệ tính mạng của mình và người khác bằng việc nghiêm túc chấp hành quy định về an toàn giao thông.