Với mục tiêu thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc đang thực hiện 5 trụ cột về an toàn giao thông đường bộ theo hướng tiếp cận hệ thống an toàn giao thông hiện đại, bảo đảm hoạt động giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an toàn giao thông theo công nghệ hiện đại; trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Phấn đấu hằng năm giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ và không để xảy ra ùn tắc giao thông; xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; phát triển văn hóa giao thông trong cộng đồng; 100% các bậc học và người tham gia giao thông được giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông.Tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông hiện có, đầu tư xây dựng mới các công trình trọng điểm, công trình có yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông trên hệ thống giao thông đường bộ; xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ.
Giai đoạn 2026 - 2030, hằng năm kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương. Phấn đấu 100% hệ thống đường tỉnh, 95 đến 100% hệ thống đường huyện được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các công trình, trang thiết bị bảo đảm an toàn giao thông; hoàn thiện hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em; vận tải hành khách công cộng phát triển với hạ tầng kết nối và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách được nâng cao.
Phấn đấu trong giai đoạn 2031 - 2045 hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; xây dựng hệ thống đường bộ, hệ thống cứu nạn, cứu hộ và cấp cứu y tế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh hiện đại, có khả năng đáp ứng tối đa yêu cầu cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.