Những cây cầu chờ sập
Theo thống kê của Sở Giao thông công chính TP Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn thành phố, có gần 100 chiếc cầu lớn, vừa và hàng trăm cầu nhỏ bắc qua sông Sài Gòn, kênh rạch. Những năm qua, thành phố đã dành hàng nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông, duy tu, nâng cấp và xây thêm nhiều cầu mới như cầu Sài Gòn, Tân Thuận 2, Bình Triệu 2, Tham Lương, Chữ Y, Kênh Tẻ, An Hạ, Nguyễn Văn Trỗi..., góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống cầu đường vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân. Tình trạng cầu cũ, trọng tải thấp, xuống cấp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhưng chậm được sửa chữa, nâng cấp hoặc thay bằng cầu mới, không chỉ đe dọa tính mạng, tài sản của người dân, mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Cầu chữ U (do Công ty quản lý công trình cầu phà thành phố quản lý) nằm trên đường Trần Văn Kiểu và Bến Bình Ðông, nối quận 6 với quận 8, được xây dựng gần 100 năm, nay đã ọp ẹp, nhưng vẫn phải sử dụng. Giờ cao điểm (sáng, chiều), người và xe qua lại đông, cầu rung, lắc dữ dội. Dưới sông, sà lan, thuyền, ghe chở lương thực, thực phẩm chui qua cầu, gặp lúc nước triều lên, nhiều tàu, ghe chỉ cách đà gầm cầu chưa tới 20 cm, nếu chẳng may xảy ra va quệt, cầu sập là không tránh khỏi.
Tại quận 8, bên cạnh cầu Nhị Thiên Ðường 2 mới xây (trọng tải 30 tấn) là cầu cũ Nhị Thiên Ðường 1, trọng tải chỉ còn 5 tấn, không an toàn. Nhưng do khu vực này người, xe đi lại quá đông, cho nên vẫn phải "nhắm mắt" dùng tạm. Thành phố cũng đã có kế hoạch dỡ cầu cũ, xây cầu mới, nhưng do vướng đền bù, giải tỏa, nên dự kiến phải đến năm 2009 mới có thể khởi công.
Trên sông Sài Gòn, đoạn cuối đường Xô-viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, cầu Bình Triệu 1 nằm song song với cầu Bình Triệu 2 mới xây (trọng tải 30 tấn). Cả hai chiếc cầu cũ, mới này nằm tại cửa ngõ phía bắc thành phố, nối với quốc lộ 13, qua tỉnh Bình Dương. Cầu Bình Triệu 1 sau gần 50 năm sử dụng đã xuống cấp, trọng tải chỉ còn 16 tấn, nhưng mỗi ngày vẫn phải "gồng mình" chịu đựng hàng chục nghìn lượt người, xe qua lại.
Ông Võ Tám, lái xe container chuyên chạy tuyến đường này, cho biết: Do không thu phí cầu cũ, cho nên xe nào từ thành phố ra cũng tranh thủ chạy qua cầu Bình Triệu 1 cho đỡ tốn tiền. Mật độ phương tiện lưu thông đông, nên hầu như tuần nào cũng xảy ra ùn tắc giao thông, nguy cơ cầu sập luôn rình rập.
Tại cửa ngõ phía đông thành phố, cầu Rạch Chiếc nằm cách cầu Sài Gòn chừng 2,5 km, trên xa lộ Hà Nội, nổi tiếng với những chiến công vang dội của Quân giải phóng thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiếc cầu này nằm trên con đường huyết mạch từ thành phố đi các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, miền trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc, nên mỗi ngày có hàng trăm nghìn lượt người, xe đi lại. Chỉ tính số lượng xe tải nặng, container chuyên chở hàng hóa ra, vào các kho, cảng đã lên tới hàng nghìn lượt xe/ngày.
Qua kiểm tra mới đây của ngành chức năng cho thấy: Trụ, thành cầu, thanh giằng... đều có nhiều chỗ gỉ sét. Ngày 4-1, chúng tôi có mặt tại cầu, nhận thấy, mỗi lần xe container nối nhau chạy qua là cầu rung lắc muốn sập. Nguy hiểm hơn là vào giờ cao điểm xe chạy, xảy ra ùn tắc giao thông nhiều giờ liền, kẹt xe kéo dài hàng km. Hàng chục xe chở đầy hàng cùng nổ máy đứng xếp hàng ngay trên mặt cầu, nguy cơ cầu sập càng cao.
Cũng như cầu Bình Triệu 1, đầu cầu Rạch Chiếc có bố trí trạm gác, người gác hướng dẫn nhưng ngày có, ngày không. Nhiều khi người trực có mặt cũng đành bất lực nhìn dòng người, xe qua lại trong nỗi lo cầu sập. Ðể giảm bớt nguy cơ sập cầu vì quá tải, năm 2003 thành phố đã giao cho Khu quản lý giao thông đô thị lắp thêm hai cầu sắt dự phòng ngay bên cạnh cầu. Lẽ ra, hai cầu sắt này phải được sử dụng để chia bớt gánh nặng cho cầu Rạch Chiếc. Nhưng đến nay cầu này vẫn bỏ không, mặc cho gỉ sét, vì đường ra vào hai đầu cầu sắt chưa xong và từ lâu đã trở thành nơi chứa phế liệu, bồn xăng dầu và cỏ mọc.
Tại quận 12, cuối đường Hà Huy Giáp là cầu Phú Long bắc qua sông Sài Gòn, nối thành phố với tỉnh Bình Dương. Cầu này đã hơn 100 năm tuổi, nhỏ, hẹp, trước đây dùng chung cho đường sắt và người đi bộ, nay người, xe muốn qua lại phải xếp hàng chờ hai bên đầu cầu, bên qua trước, bên qua sau; đi qua, cầu kêu như "sấm". TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cũng đã họp bàn, thống nhất phương án (góp vốn) xây cầu mới (khoảng 600 tỷ đồng), nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới khởi công.
Tiến độ xây dựng cầu mới quá chậm
Cầu Sài Gòn là điểm quan trọng nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
|
Trong lúc hàng loạt cầu cũ, xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp hoặc thay mới, thì không ít cầu đã có dự án, hoặc khởi công và đang thực hiện lại chậm trễ, kéo dài từ năm này qua năm khác, không biết bao giờ mới xong, gây tốn kém tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ðiển hình là cầu Nguyễn Văn Cừ (giảm tải cho cầu chữ Y) nối quận 1 với quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh. Cầu do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, được thành phố phê duyệt dự án xây dựng từ năm 2000, nhưng phải điều chỉnh nhiều lần, bổ sung một số hạng mục và vướng giải tỏa..., cho nên tiến độ thực hiện rất chậm.
Hiện nay, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, nhưng dự kiến cũng phải hết năm nay mới hoàn thành. Do điều chỉnh và chậm tiến độ, nên vốn đầu tư tăng chóng mặt: từ 240 tỷ đồng (vốn ban đầu) năm 2000, năm 2003 tăng lên 371,3 tỷ đồng. Năm 2006 dự án lại phải điều chỉnh vốn lần nữa, lên 535,2 tỷ đồng.
Cầu Hoàng Hoa Thám bắc qua kênh Nhiêu Lộc còn "nổi tiếng" hơn về sự chậm trễ và tăng vốn. Ðây là cây cầu nối quận 1 với quận Bình Thạnh, chia bớt lượng người, xe qua cầu Bông, giảm ùn tắc giao thông. Nhưng, gần 10 năm khởi công (từ tháng 9-1998), đã phải đổi chủ đầu tư, mà cây cầu dài 103 m này vẫn chưa thấy hình dáng (?).
Ngày 5-1, chúng tôi có mặt tại đầu cầu phía quận Bình Thạnh, thấy công trường ngừng hoạt động. Nhìn xuống kênh chỉ thấy ba trụ cầu đứng "thi gan" cùng mưa, nắng. Một cán bộ Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư mới) cho biết: Tháng 6-2006, dự án cầu Hoàng Hoa Thám được UBND thành phố điều chỉnh vốn từ 19 tỷ đồng lên 119,5 tỷ đồng, tăng 100,5 tỷ đồng so với vốn ban đầu, nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công, vì phải khắc phục sai sót trong khâu thiết kế, thi công và vẫn còn hơn 10 hộ nằm trong phạm vi giải tỏa, chưa bàn giao mặt bằng.
Dự án sửa chữa, nâng cấp cầu Bình Triệu 1 cũng đã có từ bốn năm nay (kinh phí 68,6 tỷ đồng), nhưng đến thời điểm này vẫn "án binh bất động" do vướng nhiều thứ, trong đó khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư (chung cho cả dự án cầu đường Bình Triệu) tăng quá cao (chủ yếu là chi phí đền bù giải tỏa). Hàng nghìn hộ dân sống bên đường Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, ven quốc lộ 13 phấp phỏm không yên, nhà cửa xuống cấp, nhưng không thể sửa chữa, làm mới vì phải chờ giải tỏa.
Có thể nói, nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ trong việc sửa chữa, nâng cấp và xây mới cầu tại thành phố Hồ Chí Minh là do vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Thành phố đã có chủ trương chỉ khởi công đối với công trình cầu đường đã giải tỏa 100% mặt bằng, nhưng nhiều địa phương lại "sáng kiến" đề nghị cho thi công sớm (phần đã giải tỏa xong) để tác động (gây sức ép) đến việc giải tỏa.
Vì vậy, nhiều chủ đầu tư phải miễn cưỡng triển khai thi công khi mặt bằng chưa giải tỏa xong. Nếu vướng dân khiếu kiện, chưa giao mặt bằng, thì phải dừng lại chờ và không biết bao giờ mới làm tiếp. Trong khi giá vật tư, công lao động biến động không ngừng, khiến nhiều nhà thầu, thi công muốn bỏ cuộc. Một nguyên nhân nữa là năng lực của một số chủ đầu tư, đơn vị lập dự án tư vấn thiết kế, thi công giám sát yếu kém, cũng góp phần làm cho công trình kéo dài.
Sớm sửa chữa và nâng cấp
Ðể khắc phục tình trạng kể trên, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục xem xét và nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, về vốn đầu tư, nhất là trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể và có kế hoạch phát triển hệ thống cầu trên địa bàn. Rà soát, kiểm tra, đánh giá lại chất lượng, phân loại cầu để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, hoặc xây thêm cầu mới, thay thế cầu cũ.
Trước mắt, lập trạm, phân công người gác và hướng dẫn người, xe qua lại những cầu cũ, yếu nhưng vẫn phải sử dụng. Tập trung vốn, nhân lực, thiết bị, máy móc triển khai ngay những dự án sửa chữa, nâng cấp và xây cầu mới đã được thành phố phê duyệt.
Nghiên cứu xây thêm cầu mới ở những khu vực đông dân cư, KCN, KCX, cửa ngõ thành phố phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Ðồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cầu đường đang làm để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng cùng với việc phân luồng xe đi lại hợp lý, trong đó nên phân riêng tuyến đường dành cho xe buýt và xe gắn máy, nhằm tránh ùn tắc giao thông trên các con đường chính vào các giờ tan tầm như hiện nay.
Khắc phục tình trạng yếu kém trong lập dự án, tránh chỉnh sửa nhiều lần, gây tốn kém tiền của, công sức của Nhà nước và nhân dân. Chấn chỉnh công tác đấu thầu. Loại bỏ các trường hợp giá bỏ thầu cao hơn giá dự toán, dẫn đến phải tổ chức đấu thầu nhiều lần, kéo dài, ảnh hưởng việc triển khai công trình.
Thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm hoặc cấm đấu thầu, nhận thầu có thời hạn những chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, chuyên môn, nhận dự án rồi làm cầm chừng, kéo dài, hoặc khởi công rầm rộ rồi để đấy không biết bao giờ mới thực hiện tiếp. Ðồng thời, có chính sách hợp lý trong đền bù giải phóng mặt bằng không làm chậm trễ tiến độ các dự án.