Những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn bao gồm điện, đường, trạm cấp nước. 95% đường liên thôn, liên xã ở ngoại thành Thủ đô đã được bê tông hóa. Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được mở rộng và hoàn thiện nhưng tình trạng tai nạn giao thông tại khu vực ngoại thành lại gia tăng và diễn biến phức tạp.
Những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật nông thôn bao gồm điện, đường, trạm cấp nước. 95% đường liên thôn, liên xã ở ngoại thành Thủ đô đã được bê tông hóa. Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được mở rộng và hoàn thiện nhưng tình trạng tai nạn giao thông tại khu vực ngoại thành lại gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, năm 2013, cả thành phố xảy ra 2.252 vụ tai nạn giao thông, trong đó có tới 1.486 vụ xảy ra ở ngoại thành làm 434 người chết và 1.441 người bị thương. Đặc biệt những tháng đầu năm 2014, số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực ngoại thành chiếm tới 70%.
Nguyên nhân được chỉ ra là: Hạ tầng giao thông nông thôn tuy được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, còn thiếu biển báo, sơn kẻ tại các vị trí đấu nối, thiếu hệ thống chiếu sáng khu vực và tuyến đường. Trên nhiều tuyến đường ngoại thành thường xuyên xảy ra vi phạm hành lang an toàn giao thông như dựng lều lán, phơi rơm trên mặt đường, thả rông gia súc ra đường. Đường không được duy tu, bảo trì thường xuyên do thiếu kinh phí và chưa có mô hình quản lý thích hợp dẫn đến xuống cấp rất nhanh, gây mất an toàn giao thông.
Đặc biệt, ý thức của người tham gia giao thông ở nông thôn còn nhiều hạn chế. Tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở hàng cồng kềnh, việc sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày hay trong các dịp giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi khá phổ biến, khi tham gia giao thông dễ gây nguy hiểm cho bản thân và mất an toàn cho người khác. Mặt khác, công tác phối hợp tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông còn thiếu đồng bộ, quyết liệt. Sự chủ động vào cuộc để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhắc nhở và xử lý vi phạm của các cấp chính quyền có nơi còn hạn chế, né tránh.
Hà Nội đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm giảm tai nạn giao thông
Để giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực ngoại thành, theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Dương Thị Hằng, cần tập trung thực hiện ngay 3 giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thể chính trị xã hội trong từng địa bàn để tuyên truyền tới từng hộ dân, nhất là lứa tuổi thanh niên, học sinh ở các huyện ngoại thành. Nội dung tuyên truyền tập trung vào nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Trong đó, tuyên truyền rõ các quy định về sử dụng rượu bia, tốc độ, làn đường và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ; không lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt và chú ý quan sát khi ngang qua đường tàu; không chở quá số người quy định và phải sử dụng áo phao, phao cứu sinh trên phương tiện vận tải giao thông đường thủy nội địa.
Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nông dân thực hiện nội dung “Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014” với việc thực hiện các quy định về không lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh buôn bán, họp chợ; đi đúng làn đường, phần đường quy định. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của dòng họ, già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền nhắc nhở người thân chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ như lắp đặt hệ thống biển báo, sơn kẻ cảnh báo an toàn giao thông; duy tu, bảo trì các tuyến đường xuống cấp, bổ sung hệ thống chiếu sáng tại các khu vực tập trung dân cư. Công tác xử lý cưỡng chế, huy động các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, xã. Phối hợp lực lượng Thanh niên, Hội Nông dân, tổ tự quản để tăng cường kiểm tra các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn ở các tuyến đường giao thông nông thôn. Lực lượng chức năng xử lý kiên quyết các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường liên huyện, liên xã, các điểm giao cắt giữa đường sắt - đường bộ, quản lý chặt chẽ các bến đò ngang, nhất là vùng đất bãi bồi nơi bà con thường xuyên đi lại canh tác. Kịp thời thông báo những người tham gia giao thông có hành vi vi phạm luật giao thông trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, xã để kịp thời chấn chỉnh.
Để triển khai hiệu quả những giải pháp trên, điều kiện tiên quyết là phải có sự tham gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng với sự tự giác thực hiện của người dân.
Nguồn: TTXVN