Hải Phòng: Cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông - Dần đi vào thực chất

Thứ năm, 11/04/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hưởng ứng cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ Hải Phòng triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ giải tỏa ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm…
Hưởng ứng cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông do Trung ương Đoàn phát động, tuổi trẻ Hải Phòng triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, hỗ trợ giải tỏa ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm…

Sau 1 năm triển khai mô hình “Bến đò ngang an toàn” tại thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Bà, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải), tình hình an toàn giao thông (ATGT) tại các bến đò này được cải thiện đáng kể. Thành đoàn, Ban An toàn giao thông thành phố trao tặng kinh phí 5 triệu đồng hỗ trợ nâng cấp, tu sửa đò chở khách thôn Lô Đông; thành lập 2 đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông; trang bị 180 áo phao, 120 dụng cụ nổi, hướng dẫn cách sử dụng khi gặp tai nạn sông nước cho thanh, thiếu niên và hành khách thường xuyên đi đò.

Nhiệm vụ của đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường thủy nội địa cho chủ phương tiện và xây dựng nếp sống văn hóa tại các bến đò; tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò; đồng thời giữ gìn an ninh trật tự tại các khu vực trên trong những lúc cao điểm và lễ, tết. Trước khi ra mắt “Bến đò ngang an toàn”, tất cả các thành viên tham gia đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông được tập huấn kiến thức về giao thông đường thủy và kỹ năng, kế hoạch hoạt động của đội thanh niên tình nguyện.

Anh Trần Sách Chung, đội viên Đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông tại thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Bảo) cho biết: “Thôn Lô Đông bị chia cắt bởi dòng sông Hóa. Hằng ngày có khoảng 36 học sinh các cấp qua lại bến đò. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, mực nước dâng cao, chảy xiết, rất nguy hiểm cho người dân đi lại. Đoàn Thanh niên xã cử 5 đoàn viên thanh niên có sức khỏe và lái đò tốt làm nhiệm vụ tình nguyện chở đò đưa khách sang sông. Được Ban Thường vụ Thành đoàn hỗ trợ áo phao và dụng cụ nổi, bà con rất phấn khởi và yên tâm hơn khi đi đò”.

Vào 18 giờ 20 phút hằng ngày, trên tuyến đường Cầu Đất, phương tiện nườm nượp lưu thông, bất chợt sáng đèn báo hiệu tàu hỏa đến, còi báo hiệu hú vang, hai công nhân rảo bước chạy ra đẩy thanh ghi chắn tàu. Thay vì dừng lại chờ tàu đi qua, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông tranh thủ tăng tốc vượt qua đường sắt khi thanh ghi chưa đóng xong. Không chỉ có thanh niên đi xe máy “kẹp ba” không đội mũ bảo hiểm hay học sinh phổ thông đi xe đạp điện, mà nhiều người lớn cũng rồ ga băng qua khe hẹp giữa hai thanh ghi.

Hành vi vượt qua đường sắt khi tàu sắp tới là thói quen xấu của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông… Theo quan sát thực tế, tại đoạn đường sắt cắt ngang đường Cầu Đất có 3 tấm ghi chắn, mỗi khi tàu đi qua, những công nhân làm việc tại đây rất vất vả nhắc nhở và ngăn những người cố tình băng qua. Thông thường, rào chắn đóng được 5 đến 7 phút, tàu mới chạy qua. Tuy nhiên, trong quá trình tàu chạy, nhiều sự cố phát sinh, nên việc tàu đến nhanh, chậm một chút là hoàn toàn bình thường. Ấy vậy mà, nhiều người không hiểu hoặc cố tình tỏ thái độ khó chịu, xẵng giọng, thậm chí văng tục, xúc phạm công nhân gác ghi, chỉ vì phải mất thêm vài giây đợi tàu.

Để xây dựng nếp sống văn hóa giao thông cho người dân nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng, Thành Đoàn triển khai mô hình “Điểm giao cắt đường bộ- đường sắt an toàn” tại phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) và phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền). Mỗi đội thanh niên xung kích hướng dẫn giao thông tại điểm giao cắt đường bộ- đường sắt gồm 6 thành viên, hoạt động tình nguyện 1 tuần 3 buổi vào các sáng thứ ba, thứ năm và thứ bảy. Đội có nhiệm vụ tham gia hướng dẫn giao thông tại điểm giao cắt đường bộ - đường sắt không có rào chắn trên các trục đường theo kế hoạch trong từng đợt; tuyên truyền, nhắc nhở người dân trên địa bàn tổ dân phố có đường sắt chạy qua; dọn vệ sinh môi trường tại điểm giao cắt; tham gia cùng lực lượng chức năng nhắc nhở các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Nguồn: Báo Hải Phòng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)