Mặc dù ngành Giao thông vận tải nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, nhưng với tốc độ tăng nhanh chóng về phương tiện, trong khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng chưa đáp ứng nhu cầu nên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục.
Mặc dù ngành Giao thông vận tải nỗ lực thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, nhưng với tốc độ tăng nhanh chóng về phương tiện, trong khi hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng chưa đáp ứng nhu cầu nên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được khắc phục.
Hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng
Hải Phòng có 50 tuyến phố chính nội đô với tổng chiều dài hơn 60 km cùng các quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 37 qua địa bàn Hải Phòng dài hơn 100 km. Đó là chưa kể hệ thống tỉnh lộ với chiều dài 176 km, đường liên thôn, huyện dài gần 1000 km. Đặc thù giao thông Hải Phòng theo trục Bắc – Nam với những tuyến đường dài, cùng với đường sắt chạy song song hướng tới các cảng biển, vì vậy khi có tàu hỏa chạy qua, hoạt động giao thông bị ách tắc, dồn ứ trước các chắn tàu. Ở các tuyến đường hướng tới các cảng biển, giao thông luôn bị ùn tắc tại các nút giao giữa các tuyến đường.
Thời gian qua, hệ thống giao thông Hải Phòng được mở rộng, nâng cấp, nhưng chưa đồng bộ và phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội. Số lượng phương tiện vận tải gia tăng nhanh với 54 nghìn phương tiện các loại, trong đó tới 5600 xe container. Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, phương tiện cá nhân, nhất là mô-tô, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Hiện, toàn thành phố có gần 700 nghìn mô-tô, xe máy trong khi ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt, chưa tự giác chấp hành pháp luật ATGT. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố, hành lang an toàn giao thông chưa được ngăn chặn triệt để, khiến việc chống ùn tắc giao thông rất khó khăn. Tại thời điểm này, trên địa bàn thành phố có nhiều vị trí thường xảy ra ùn tắc và mất ATGT như tuyến đường Đà Nẵng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Nguyên Hãn, Mê Linh, nút ngã ba Đình Vũ, ngã ba Hàng Kênh-Tô Hiệu, ngã tư Quán Mau, ngã tư Tam Kỳ, ngã ba Đồng Bún, nút giao chân cầu Niệm, cầu Rào, cầu vượt Lạch Tray… Một số điểm ùn tắc trầm trọng như các nút giao liên quan tới trục đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm- đập Đình Vũ- Lê Thánh Tông- Ngô Quyền. Do lượng phương tiện qua các trục đường trên lên tới 17 nghìn lượt xe/ ngày, chỉ một xe container quay đầu chắn ngang đường là cả tuyến đường ách tắc kéo dài nhiều giờ như từng xảy ra trên đường 356 tới đập Đình Vũ.
Những giải pháp giảm ùn tắc
Trước thực trạng này, Ngành GTVT phối hợp với Công an thành phố tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh phân luồng, điều tiết giao thông linh hoạt theo từng thời điểm để giảm bớt ách tắc. Cùng với cải tạo, mở rộng các nút giao, nâng cấp mở rộng mặt đường, xây dựng hè phố các tuyến đường chưa có vỉa hè, ngành rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, vạch sơn đường làm cơ sở cho việc hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông đi đúng làn đường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, kiên quyết xử lý các phương tiện đi không đúng làn đường lấn vạch sơn. Tăng cường kiểm tra, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT.
Về lâu dài, ngành tăng cường đầu tư, phát huy hiệu quả loại hình vận tải khách công cộng, vận tải hàng hóa đa phương thức, nghiên cứu lộ trình hạn chế xe máy trên một số tuyến phố, phương án cầu cạn trên một số trục chính đô thị, từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, đường sắt hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy hoạch. Trong khi tuyến đường ô-tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng chưa hoàn thành, việc sớm nghiên cứu đầu tư xây dựng các nút giao quan trọng với quy mô khác mức như nút giao: Nguyễn Bỉnh Khiêm- đập Đình Vũ-đường Ngô Quyền, nút giao ngã tư Hanvico, nút giao đường Nguyễn Bỉnh Khiêm- Lê Hồng Phong… là rất cần thiết. Về cơ chế tài chính, tăng nguồn vốn sự nghiệp dành cho duy tu bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng cầu đường, sơn vạch, biển báo, lắp đặt đèn tín hiệu. Hằng năm, dành nguồn kinh phí nhất định phục vụ ứng cứu ATGT để xử lý, cải tạo kịp thời một số vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc và mất ATGT. Nguồn vốn này giao Ban ATGT thành phố quản lý sử dụng đúng mục đích hiệu quả.