Sau khi thực hiện hàng loạt các giải pháp về phân luồng phương tiện, giao thông của Hà Nội không ít nơi vẫn trong tình trạng ùn tắc, hỗn loạn và ngày càng diễn biến phức tạp. Biện pháp dùng barie, dải phân cách cứng để cưỡng bức giao thông được thực hiện gần đây tuy đã đem lại một số kết quả nhưng cũng lại sớm bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân…
Sau khi thực hiện hàng loạt các giải pháp về phân luồng phương tiện, giao thông của Hà Nội không ít nơi vẫn trong tình trạng ùn tắc, hỗn loạn và ngày càng diễn biến phức tạp. Biện pháp dùng barie, dải phân cách cứng để cưỡng bức giao thông được thực hiện gần đây tuy đã đem lại một số kết quả nhưng cũng lại sớm bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân…
Việc tổ chức lại giao thông được các ngành chức năng ở Hà Nội thực hiện từ năm 2007, khởi đầu là xây dựng hàng loạt tuyến đường mẫu như Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Thái Hà - Chùa Bộc. Ngoài việc xén hè, lắp đặt hệ thống biển báo, rào chắn, những ngày đầu tại các tuyến đường này có hàng trăm cán bộ chiến sỹ CSGT, TTGT đứng làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng phương tiện đi đúng phần đường. Thế nhưng chỉ được đúng một tuần, khi các lực lượng làm nhiệm vụ rút quân thì tình trạng ùn tắc cục bộ lại xảy ra, thậm chí còn phức tạp hơn trước. Hiện trên các tuyến đường này, cảnh thường gặp là xe thô sơ nhao vào phần đường dành cho xe máy, xe máy thì bóp còi inh ỏi để lao vào đường dành cho xe ô tô. Hệ thống đèn tín hiệu dành để phân luồng, phân làn xe dường như không còn tác dụng.
Tiếp đến tháng 6-2009, Sở GTVT Hà Nội thực hiện giải pháp mạnh, dùng barie và dải phân cách cứng để cưỡng bức giao thông, tránh xung đột tại các điểm giao cắt. Hàng loạt ngã ba, ngã tư trong thành phố bị rào lại, một số điểm quay đầu xe mới được mở ra. Vì thời điểm thực hiện vào đúng thời gian học sinh nghỉ hè nên ai cũng ngỡ giải pháp này đem lại hiệu quả, nhưng chỉ được hơn một tháng, sau khi học sinh tựu trường, giải pháp này đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì các ngã ba, ngã tư đều đã bị bịt kín nên toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu hiện đại đã lắp trước kia trở nên vô dụng, phần đường dành cho người đi bộ cũng bị các phương tiện giao thông chiếm dụng luôn. Thay vì việc chờ đèn tín hiệu để rẽ sang đường như trước đây, các phương tiện phải rồng rắn nối đuôi nhau đi một đoạn khá dài để đến điểm quay đầu. Vị trí của các điểm quay đầu này thường hẹp nên chỉ cần một chiếc ô tô vào cua là tất cả các phương tiện khác đi sau phải đứng chờ, gây nên ùn tắc. Chúng tôi xin nêu ví dụ điển hình, đó là việc lập rào chắn tại giao lộ phố Kim Mã - Ngọc Khánh - Vạn Bảo. Vì lối rẽ mới mở trước cửa số nhà 295 Kim Mã hình thước thợ, hệ thống đèn chiếu sáng tại đây lại rất yếu nên xe ô tô rất khó quay đầu, hệ quả là toàn bộ phương tiện đi sau phải nhích từng tý một để tránh vật cản phía trước. Khi ùn tắc xảy ra, các phương tiện đan xen vào nhau, mạnh ai nấy đi và những chiếc xe có ý định quay đầu buộc phải nằm yên một chỗ. Bất cập nữa phải kể đến là vì điểm quay đầu khá xa so với vị trí các ngã ba, ngã tư trước kia nên không ít phương tiện cố tình đi ngược chiều nếu thiếu vắng lực lượng CSGT, gây thêm sự lộn xộn, mất TTATGT. Trên thực tế, giải pháp này tỏ ra kém hiệu quả hơn so với việc duy trì hệ thống đèn tín hiệu tại các ngã ba, ngã tư trước kia.
Theo một cán bộ Phòng CSGT - CA TP cho biết: Trước đây, Hà Nội có 124 điểm thường xuyên ùn tắc nay giảm xuống còn 68 điểm, tuy vậy, xét về trật tự đi lại và thời gian di chuyển của phương tiện thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Số điểm ùn tắc tuy giảm nhưng tình trạng ùn ứ trên toàn tuyến lại có nguy cơ tăng.
Trước tình trạng giao thông Thủ đô có những diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát và có kế hoạch tổ chức giao thông sao cho hợp lý.
Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Phó chánh Thanh tra GTVT Hà Nội thì liên ngành Giao thông - Công an vừa có đề án phân làn ô tô, xe máy trình Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố. Mục đích của đề án nhằm tránh xung đột giữa các dòng phương tiện, giảm ùn ứ trên toàn tuyến. Nếu được chấp thuận thì đây sẽ là đề án phân làn xe lớn nhất từ trước tới nay. Hiện liên ngành đã khảo sát và lên phương án phân làn xe tại 17 tuyến đường: Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Kim Mã, Nguyễn Thái Học… Những tuyến được chọn để thực hiện việc phân làn tối thiểu phải có mặt cắt đủ cho 3 làn xe, là tuyến chính, ít ngõ và nếu là đường một chiều thì càng tốt. Lần này, UBND thành phố sẽ chỉ đạo kiên quyết, huy động một lực lượng lớn CSGT, CSTT, TTGT để hướng dẫn, duy trì và xử lý các vi phạm nhằm lập lại TTATGT trên địa bàn.
Theo cpv.org.vn