Bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng thiết lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Từng bước hạn chế, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường địa phương quản lý.
Bằng nhiều biện pháp tích cực, đồng bộ, thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng thiết lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Từng bước hạn chế, giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường địa phương quản lý.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông
Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ban An toàn Giao thông thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các quận-huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức nhằm thực hiện có kết quả nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải (Thanh tra Sở Giao thông vận tải), UBND các quận - huyện được chỉ đạo phải xóa bỏ các điểm trông giữ phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm lấn chiếm trái phép hè phố, lòng đường; áp dụng các biện pháp kiểm tra, xử lý tiên tiến thông qua hình ảnh, camera; đồng thời tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm đỗ, dừng phương tiện trên hè phố, lòng đường không đảm bảo điều kiện theo quy định; hướng dẫn, điều tiết giao thông tại các nơi có nguy cơ thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các quận - huyện tiếp tục thực hiện tổ chức giao thông tại các điểm, nút giao thông, tuyến đường cho phù hợp, hiệu quả; hoàn thiện tổ chức thu phí điểm đỗ xe tĩnh, dưới lòng đường tại khu vực trung tâm thành phố, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét cho thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh “xã hội hóa” trong đầu tư cải tạo, xây dựng các bến bãi đậu xe; đề xuất mô hình cơ quan quản lý nhà nước về vận tải hành khách công cộng, giải pháp hiện đại hóa phương tiện xe buýt trong đô thị; đề xuất giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế phương tiện cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất quy định về lệ phí liên quan đến phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cá nhân tại thành phố; nghiên cứu bổ sung điều kiện bắt buộc doanh nghiệp phải có vị trí và diện tích đậu xe tương ứng khi cấp giấy đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề có nhu cầu đậu xe cho khách hàng, áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh, trình Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa giao Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông , Công an thành phố và UBND các quận-huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo đề nghị của Cục Đường sắt Việt Nam.
Đồng thời Chủ tịch UBND các quận 3, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Thủ Đức là các địa phương có đường sắt đi qua phải có kế hoạch và chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng của ngành Đường sắt để tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn chạy tàu trên địa bàn mình phụ trách.
Ra mắt giải thưởng “Giao thông 24 giờ”
Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo ra mắt giải thưởng “Giao thông 24 giờ”. Thính giả được trao giải thưởng là những người gọi điện qua số điện thoại 38221188 báo tình trạng giao thông (kẹt xe, tai nạn…) cũng như đóng góp ý kiến cho chương trình Giao thông 24 giờ hoặc đại diện cơ quan chức năng có nhiều đóng góp về mặt nội dung cho chương trình. Tổng giá trị giải thưởng cho năm 2010 là 100 triệu đồng do Công ty CP Tập đoàn đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Sài Gòn tài trợ.
Đến năm 2025, xe buýt ở thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng 40% nhu cầu đi lại của hành khách
Vận tải hành khách bằng xe buýt mới đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu đi lại của hành khách trong năm 2009. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án Phát triển xe buýt trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đề án, đến năm 2025 vận chuyển bằng xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu đi lại của hành khách. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện các biện pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt. Sở sẽ sắp xếp lại mạng lưới xe buýt theo mô hình: tuyến trục chính - tuyến nhánh - tuyến thu gom. Sẽ điều chỉnh lộ trình 42 tuyến, hủy bỏ 6 tuyến, tăng 25 tuyến nhánh để thu hút người dân tại các tuyến đường nhánh đi xe buýt.
Hiện nay, các tuyến xe buýt tập trung chủ yếu tại các quận trung tâm (chiếm 67% tổng cự ly tuyến đường), trong khi đó một số tuyến ở ngoại thành lại quá ít. Qua thống kê của Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng, trên một số tuyến đường có đến 17 tuyến xe đi qua, vì thế tỷ lệ trùng lặp giữa các tuyến lên đến 56,6%. Theo đề án, Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện thay mới các xe đã hết hạn sử dụng để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Theo dự báo, sau khi sắp xếp lại các tuyến, hệ thống xe buýt của thành phố, có thể đạt số lượng 1,8 triệu lượt hành khách/ngày, đến năm 2015 có thể đạt 21,6 triệu hành khách/ngày và đáp ứng khoảng 19,3% nhu cầu đi lại của hành khách.
Hiện tại thành phố có trên 3.200 xe buýt các loại, trong đó 1.318 xe được thành phố đầu tư từ năm 2003, số còn lại do các doanh nghiệp vận tải tự trang bị. Các xe được đầu tư từ năm 2003 đến nay đã xuống cấp không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Năm 2009, vận tải bằng xe buýt mới chỉ đáp ứng được khoảng 7% nhu cầu đi lại của hành khách, trong khi đó, số tiền trợ giá cho xe buýt năm 2010 được phê duyệt là 700 tỉ đồng, tăng 100 tỉ đồng so với năm 2009.
Theo đề án, Sở Giao thông Vận tải sẽ thực hiện thay mới các xe đã hết niên hạn sử dụng để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách./..
Website ĐCSVN