Việc duy trì và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ ở Hà Nội hiện như "bắt cóc bỏ đĩa" do ý thức của người dân vẫn còn thấp và sự vào cuộc của chính quyền địa phương lại chưa kiên quyết.
Hành lang ATGT ở các cửa ngõ huyết mạch của Thủ đô Hà Nội là một trong những lá chắn quan trọng để bảo vệ TTATGT, trật tự đô thị, thể hiện bộ mặt văn minh của Thủ đô trong mắt du khách bạn bè quốc tế.
Một hộ kinh doanh tre nứa vi phạm hành lang ATGT bị cưỡng chế, giải tỏa.
Kể từ khi địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng, Hà Nội đã tổ chức nhiều đợt ra quân lớn, thậm chí là cưỡng chế, giải toả những vi phạm hành lang ATGT đường bộ ở những tuyến đường huyết mạch, đặc biệt là giải toả những "nút thắt cổ chai" từng ví như điểm đen ATGT trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, việc duy trì và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ hiện như "bắt cóc bỏ đĩa" do ý thức của người dân vẫn còn thấp và sự vào cuộc của chính quyền địa phương lại chưa kiên quyết.
Tái lấn chiếm… "kinh niên"
Đó là các trường hợp kinh doanh, buôn bán ven quốc lộ 6, QL21a, QL21b. Đây là những tuyến QL huyết mạch dẫn vào cửa ngõ Thủ đô nhưng vi phạm về trật tự hành lang ATGT đường bộ, trật tự đô thị diễn ra tương đối phức tạp.
Điển hình là dọc tuyến QL21b từ Phú Lãm (Hà Đông) đến xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai khi không có lực lượng kiểm tra, người dân lại bày tre, gỗ, lều lán ra đường, ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông.
Đây là đoạn quốc lộ thường xuyên xảy ra va chạm và TNGT, nên kế hoạch của thành phố là "giải tỏa trắng". Tuy nhiên, tất cả gỗ, lạt sau khi bị thu giữ hoặc chở đi, thì ngay sau đó, khi lực lượng giải toả rút về, người dân lại thuê xe trâu chở ra kinh doanh như cũ.
Có mặt trên tuyến QL21a, chúng tôi thấy nhiều chợ cóc họp ven đường lại tái lấn chiếm trở lại. Rõ nhất là chợ Xốm, xã Phú Lãm, quận Hà Đông; chợ Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai; chợ Vát, xã Kim Tài, huyện Thanh Oai; chợ Thanh Xuyên, xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa. Lực lượng Thanh tra GTVT thường xuyên phải cử cán bộ chốt ở những điểm này để tiếp tục xử lý và giải toả vi phạm.
Trên tuyến QL6, dù mới cưỡng chế giải toả chưa bao lâu, nhưng tình trạng hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lấn chiếm vỉa hè và lòng đường vẫn diễn ra nhiều. Một số hộ kinh doanh cần cẩu lấn chiếm hành lang ATGT vẫn ngang nhiên vi phạm, việc duy trì tái lấn chiếm vì thế luôn gặp khó khăn.
Chính quyền địa phương phải xử lý kiên quyết
Kế hoạch giải toả hành lang ATGT đường bộ tuyến Phạm Văn Đồng đến sân bay Nội Bài được đánh giá là "xương" nhất bởi trên tuyến đường này có hàng trăm hộ dân nằm trong hành lang ATGT phải di dời. Cho đến nay, Hà Nội mới thực hiện xong kế hoạch giải toả giai đoạn 1 nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là thực hiện giải tỏa giai đoạn 2 của kế hoạch. Qua thống kê, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 129 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đường Phạm Văn Đồng. Sở GTVT đã ban hành Quyết định xử phạt và yêu cầu tự tháo dỡ vi phạm đối với 118 trường hợp làm công trình tạm, công trình kiên cố…không phép trên đất nông nghiệp trong hành lang bảo vệ đường bộ. Sau 10 ngày các trường hợp này không thực hiện, lực lượng liên ngành thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế, giải toả.
Qua thống kê, trên địa bàn huyện Từ Liêm có 28 công trình, 3.335m hàng rào, 437 hộ dân nằm trong hành lang ATGT đường bộ (228 hộ chưa được cấp sổ đỏ) cần phải giải toả đợt này.
Đối với số hộ dân chưa có sổ đỏ sẽ bị giải toả trắng, còn số hộ có sổ đỏ, UBND huyện Từ Liêm sẽ lên phương án giải toả đền bù GPMB theo QĐ 1856 của thành phố. Lo ngại nhất của chính quyền địa phương cũng như lực lượng thi hành nhiệm vụ là sau giải toả, liệu có xảy ra tái lấn chiếm như các tuyến quốc lộ khác hay không?
Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT thì quan trọng vẫn là ý thức của người dân và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương.
Tại tuyến QL6, chỉ trong 10 ngày, Đội TTGT địa bàn đã lập 6 biên bản với 6 trường hợp tập kết máy xúc, máy ủi lấn chiếm hành lang ATGT và tạm giữ tang vật trong 20 ngày. Đồng thời cưỡng chế với 8 chủ hộ kinh doanh máy móc vi phạm hành lang ATGT, tháo 18 lều lán và hàng chục biển quảng cáo...
Để chống tái lấn chiếm, thiết nghĩ công tác duy trì kết quả giải tỏa, cưỡng chế ở các địa phường cần phải thay đổi, đưa công tác tuyên truyền đến từng tổ dân, thôn xóm để mọi người dân cùng thực hiện.
Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm, địa phương cần có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, đừng để công lao, kinh phí của các ban, ngành ra quân rầm rộ bị đổ xuống sông, xuống bể.
Theo KTĐT