VÌ SAO HÀ NỘI GIA TĂNG ÙN TẮC GIAO THÔNG?

Thứ hai, 24/11/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ùn tắc giao thông trên địa bàn Tp. Hà Nội một phần là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, phổ biến vi phạm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường, chen lấn làn đường, dừng đỗ sai phương tiện... vào giờ cao điểm.

Ùn tắc giao thông trên địa bàn Tp. Hà Nội một phần là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, phổ biến vi phạm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đường, chen lấn làn đường, dừng đỗ sai phương tiện... vào giờ cao điểm.

Bài 1: Bất cập tổ chức giao thông

Bài 2: Quản lý phương tiện - phát triển hạ tầng: Hai khâu yếu

Phương tiện dừng, đỗ sai quy định trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội - Ảnh: Bình Lê

Ra đường là lấn làn 

Với tình trạng giao thông lộn xộn ở các đô thị Việt Nam, việc người tham gia giao thông không lấn làn mới là điều ngạc nhiên. Và khi người tham gia giao thông chỉ nhăm nhăm "cướp đường, lấn làn" như thế, đường phố không ùn tắc mới là chuyện lạ.

 
Điển hình, tuyến đường Trường Chinh liên tục xảy ra ùn tắc giao thông giờ cao điểm do các loại phương tiện chen lấn hỗn loạn, mặc dù ngành GTVT quy định tại các điểm giao cắt phương tiện chỉ được rẽ phải, nhưng các xe khi lưu thông vẫn hiên ngang rẽ trái.
 
Tương tự, trên đường Nguyễn Trãi, phương tiện đi sai quy tắc giao thông, vượt đèn đỏ, lấn làn đường xuất hiện rất phổ biến khu vực ngã ba, ngã tư... Nguy hiểm hơn, một số môtô, xe gắn máy, xe đạp lúc không ùn tắc giao thông vẫn "vô tư" lưu thông vào làn đường dành riêng cho xe buýt, bất chấp nguy cơ TNGT có thể xảy ra.
 
Còn trên tuyến đường QL1A (cũ) từ ngã ba Pháp Vân qua cầu Thanh Trì sang QL5, phần lớn nguyên nhân gây ùn tắc giao thông do phương tiện tránh vượt sai quy định, không nhường đường, chen lấn phần đường của phương tiện đi ngược chiều...
 
Mặc dù từ năm 2004 đến nay, Tp. Hà Nội đã triển khai thí điểm tách làn theo loại phương tiện, với mục tiêu nâng cao nhận thức người tham gia giao thông, giảm thiểu vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế việc tách làn phương tiện trên các tuyến Thái Hà - Chùa Bộc, Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Kim Mã... vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực, tình trạng lưu thông sai quy tắc giao thông vẫn phổ biến.
 
Thực tế trên đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, sau khi phân tách làn đường, tình trạng vi phạm pháp luật ATGT chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Tách làn theo loại phương tiện chỉ hiệu quả khi lực lượng chức năng bám chốt, còn khi lực lượng chức năng rút khỏi địa bàn, người tham gia giao thông lại tái vi phạm".
 
Theo Phòng CSGT Công an Tp. Hà Nội, nguyên nhân chính gia tăng ùn tắc giao thông chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông, đi sai phần đường... Trong tổng số 37.725 trường hợp vi phạm trật tự ATGT mà Đội CSGT số 1 xử lý, có tới 328 trường hợp đi vào đường cấm, 1.666 trường hợp đi sai phần đường, 1.147 trường hợp chở hàng hoá cồng kềnh gây ra tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm. Tương tự, trong tổng số gần 3.000 trường hợp vi phạm vi phạm trật tự ATGT do Đội CSGT số 1 xử lý, tỷ lệ vi phạm Luật GTĐB dẫn tới ùn tắc chiếm tới 30 - 40%.
 
Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 5 lưu ý: "Hiện nay, đang xuất hiện và gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ do chất lượng xe ôtô ngày càng xuống cấp, công tác kiểm định chưa tốt dẫn tới phổ biến phương tiện đang lưu thông vào giờ cao điểm chết máy giữa đường. Chỉ đơn cử, từ đầu năm 2008 đến nay, trên các tuyến đường qua địa bàn, ít nhất cũng đã xảy ra 50 - 60 vụ xe ôtô bị gãy cần trục, nổ lốp gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Đáng chú ý, một số xe bị gẫy cần trục vẫn có giấy kiểm định chất lượng (!?)".
 
Tuỳ tiện!
 
Qua số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2008, Đội CSGT số 1 đã phát hiện, xử lý 1.063 trường hợp vi phạm lỗi dừng, đỗ phương tiện sai quy định, trong đó có tới 43 vụ dừng, đỗ sai quy định dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên diện rộng vào giờ cao điểm. Điều đáng nói là, mặc dù thời gian qua lỗi vi phạm này bị lực lượng chức năng xử lý khá nhiều nhưng vẫn không giảm và tiếp tục gia tăng phổ biến trên các tuyến đường.
 
Ngay cả khu vực ngoại thành như huyện Gia Lâm, tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định cũng đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến QL5 trong thời gian qua (gần khu vực đang thi công đường dẫn cầu Thanh Trì). Tính đến ngày 27/10, Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm đã phát hiện, xử lý 8.222 trường hợp vi phạm pháp luật ATGT, trong đó 1.687 trường hợp vi phạm quy định dừng, đỗ. Hầu hết vi phạm lỗi này là xe ôtô, tập trung chủ yếu trên tuyến QL5.
 
Tương tự, qua số liệu tổng hợp của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, trong tổng số 31.513 trường hợp vi phạm trật tự ATGT trong 10 tháng đầu năm nay, khoảng 13.957 trường hợp là vi phạm dừng, đỗ phương tiện sai quy định dẫn tới các vụ ùn tắc giao thông trên diện rộng.
 
Tình trạng "hở đâu đỗ đấy" tập trung chủ yếu tại các tuyến đường trục chính, khu đô thị mới, trước cửa nhà dân và ngay cả trên các tuyến đường 1 chiều, trong ngõ hẻm. Cùng với lỗi dừng, đỗ sai quy định, lực lượng Thanh tra GTVT qua TTKS còn phát hiện, xử lý 18.339 trường hợp vi phạm với các lỗi chở quả tải, đón trả khách sai quy định và vi phạm bến bãi, cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
 
Ông Hoàng Văn Mạnh cho biết: "Một số phương tiện, mặc dù vừa bị xử lý lỗi vi phạm dừng, đỗ chưa đầy 30 phút, khi lực lượng TTGT quay trở lại vẫn thấy tái vi phạm. Nhiều trường hợp, thậm chí bị xử lý tới 2 - 3 lần trong ngày nhưng vẫn ngang nhiên vi phạm cố tình thách thức lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ (!?)".
 
Mặc dù Tp. Hà Nội liên tục mở các đợt cao điểm tổ chức tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự ATGT, nhưng nhìn chung ý thức người tham gia giao thông chưa chuyển biến tích cực và đây là một nguyên nhân làm gia tăng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua.
 
Nhóm P.V

nguồn banduong.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)