Theo tổng kết mới nhất của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TPHCM, lượng người vi phạm luật giao thông trên địa bàn chấp nhận xử phạt qua camera hiện còn rất thấp.
Theo tổng kết mới nhất của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ Công an TPHCM, lượng người vi phạm luật giao thông trên địa bàn chấp nhận xử phạt qua camera hiện còn rất thấp.
Chỉ suýt soát 5% chịu đóng phạt !
|
Giao thông hỗn loạn, chuyện thường ngày ở TPHCM. Ảnh: T.N |
Số liệu từ Phòng CSGT đường bộ cho thấy chỉ có trên dưới 5% trong tổng số hàng trăm ngàn người phạm luật giao thông bị xử lý qua phương tiện theo dõi camera suốt 10 tháng đầu năm nay chịu đi đóng tiền phạt.
Một cách chính xác, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Điều khiển giao thông thuộc Phòng CSGT đã phát hiện qua camera hơn 310.000 trường hợp vi phạm luật giao thông. Phòng CSGT đường bộ đã phát ra hơn 240.000 giấy thông báo vi phạm và yêu cầu chủ phương tiện vi phạm đến nộp phạt. Khoảng 70.000 trường hợp còn lại, lực lượng CSGT không xử lý được do không xác định được địa chỉ chủ sở hữu phương tiện, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thế nhưng đến nay chỉ có 18.000 người chịu đến nộp phạt. Tính ra chưa tới 8% số người đã được gửi giấy phạt và chỉ tròm trèm 5% tổng số người vi phạm luật giao thông mà camera ghi nhận được suốt 10 tháng đầu năm nay chịu đi đóng phạt, một tỷ lệ quá thấp.
Quy định còn nhiều "kẽ hở"
Nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình giao thông và phát hiện kịp thời, chính xác những sự cố, vụ việc vi phạm luật giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn, thời gian qua Phòng CSGT đường bộ đã lắp đặt một số camera quan sát giao thông cố định, đồng thời Trung tâm Điều khiển giao thông còn thành lập những tổ ghi hình di động.
Ưu điểm của biện pháp ghi hình, xử phạt sau thay vì xử phạt trực tiếp là giao thông vẫn tiếp tục, giảm thiểu khả năng gây ra ùn tắc giao thông do việc CSGT phải ngoắc quá nhiều xe vi phạm tại một giao lộ nào đó, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Sau đó, cán bộ xử lý vi phạm qua hình ảnh sẽ trích xuất lấy ra hình ảnh vi phạm rồi lập giấy xử phạt.
Theo đúng quy trình hiện hành, sau khi giấy mời đóng phạt được trung tâm xử lý trích xuất ra sẽ được chuyển tiếp đến cho CSGT các đội, trạm nơi chủ phương tiện vi phạm đăng ký xe. Từ đây, các giấy phạt sẽ được công an quận, huyện chuyển về tận nhà người vi phạm. Trường hợp xe vi phạm có biển số ở các tỉnh thành khác, Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM làm thủ tục gửi về Phòng CSGT các địa phương để nơi đây hỗ trợ tìm người vi phạm.
Tuy nhiên đối với xe vi phạm không phải của TPHCM, khó khăn là hiện vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa thành phố với các địa phương khác cho nên thực tế không phải lúc nào cũng có thể xử phạt được các xe mang biển số tỉnh. Con số 70.000 phương tiện không thể trích xuất xử lý thời gian qua đều rơi vào trường hợp mang biển số tỉnh hoặc biển số TPHCM nhưng đã mua bán sang tay mà người sở hữu sau cùng không đăng ký lại với lực lượng CSGT sở tại. Cho đến giờ có thể nói CSGT đành phải "bó tay" trước những tình huống này.
Thái độ coi thường lệnh xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh của người vi phạm cũng là một nguyên nhân khiến cho hiệu quả xử lý thời gian qua chưa cao. Theo quy định, sau ba lần gửi giấy báo mà người vi phạm vẫn không chấp hành đóng phạt thì sẽ bị cưỡng chế. Thế nhưng cưỡng chế như thế nào thì hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, hệ quả là chưa có trường hợp nào bị… cưỡng chế.
Công an TPHCM cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, sắp tới Công an thành phố sẽ tham mưu cho UBND thành phố bổ sung thêm một số quy định, bao gồm việc đề ra những biện pháp cụ thể trong tình huống phải cưỡng chế người phạm luật giao thông qua hình ảnh nhưng ngoan cố không chấp hành.
theo sggp.org.vn