Phương án này vừa được TP HCM trình thường trực HĐND, trong khi đề xuất thu phí lưu hành với xe cá nhân đang còn gây tranh cãi.
"ERP ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS, nó quy định những vùng nhất định mà mỗi ôtô (có gắn thiết bị định vị) khi đi vào được ghi nhận lại theo từng thời gian trong ngày. Sau đó, tùy theo mức phí tại mỗi đường (nhiều hay ít tùy theo mức độ kẹt xe), hàng tháng hệ thống sẽ gửi thông báo đóng phí tới chủ phương tiện", ông Khuất Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn Phát triển giao thông vận tải, giải thích.
Ôtô đi vào đường thường xuyên ùn tắc sẽ phải trả phí.
Theo ông Hùng, Anh và Singapore cũng đang áp dụng hình thức thu phí này. Toàn TP HCM nếu áp dụng cho cả xe máy và ôtô thì thành phố cần chi từ 100 đến 150 triệu USD đầu tư ban đầu.
"TP HCM hoàn toàn có thể áp dụng hệ thống thu phí giao thông như ERP để hạn chế ùn tắc", ông Hùng khẳng định.
Theo dự thảo, với 420.000 xe ôtô lưu thông ở thành phố thì mục đích của việc thu phí này là nhằm góp phần hạn chế sử dụng ôtô cá nhân. Viện nghiên cứu phát triển thành phố được giao chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Chính tổ chức đề xuất quy hoạch báo cáo UBND TP HCM trong quý II/2009.
Dự thảo này là động thái thứ hai, tiếp theo đề xuất thu phí lưu thông hằng năm đối với ôtô, xe máy mà thành phố gửi Bộ Tài Chính hồi đầu tuần trước. Và là một đề xuất trong gói giải pháp mà TP HCM quyết tâm đưa ra để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một "leo thang" trên địa bàn.
Trong dự thảo lần này, TP HCM đề xuất Bộ Tài Chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành Quy định về phí - lệ phí liên quan đến phương tiện cơ giới đường bộ của cá nhân ngay trong quý I/2009.
Thêm nữa, phương tiện cá nhân cũng bị quản lý nghiêm ngặt theo hướng hạn chế dần quỹ đất. Cụ thể, cấm môtô, xe máy, ôtô lưu thông trên các tuyến đường vào một số giờ nhất định, phù hợp với điều kiện của từng khu vực, trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện, loại phương tiện giao thông, thời gian cấm… Trước mắt, có thể áp dụng thí điểm một số tuyến trên địa bàn quận 1, như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
UBND TP HCM cũng yêu cầu các cơ quan chức năng làm "mạnh tay" hơn nữa với lô cốt chây ỳ, một trong những nguyên nhân lâu nay của vấn nạn kẹt xe tại Sài Gòn.
Để khắc phục việc thi công kiểu "rùa bò", "ngủ ngày", các chủ đầu tư được lệnh tập trung triển khai thi công 3 ca một ngày rút ngắn thời gian chiếm dụng mặt đường.
Cho phép Sở Giao thông vận tải thực hiện cơ chế "thoáng", sau 24h nếu đơn vị thi công không tái lập mặt đường thì các Khu quản lý giao thông sẽ "làm giùm" và chi phí này do các chủ đầu tư trả.
Mặt khác, các rào chắn sẽ không được "khoán trắng" công việc tại công trường cho Tư vấn giám sát mà sẽ có tổ giám sát cộng đồng (trong đó có chính quyền địa phương) tăng cường theo dõi.
Trong dự thảo, UBND TP HCM cũng lưu ý đến việc phát triển mạng lưới hệ thống giao thông công cộng, các giải pháp đồng bộ như lệch ca, lệch giờ, di dời các trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Từ nay đến cuối năm tổ chức thí điểm làn đường dành riêng cho xe buýt trên tuyến Trường Chinh, Điện Biên Phủ, quốc lộ 52, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai trên các hành lang còn lại.
Trong khi chờ dự án hoàn thiện mạng lưới tuyến xe buýt đến năm 2015, Sở Giao thông vận tải căn cứ vào bản phê duyệt quy hoạch 24 hành lang xe buýt đến năm 2010 của TP HCM rà soát lại mạng lưới tuyến hiện tại nhằm điều chỉnh các trùng tuyến bất hợp lý.
Về trường học,bệnh viện, UBND TP HCM khẳng định quan điểm sẽ không quy hoạch, xây dựng mới mà từng bước chuyển thành các trung tâm, cơ sở nghiên cứu đào tạo, cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao. Đầu tư xây dựng mới sẽ triển khai tại các quận, huyện ngoại thành, cử ngõ ra vào thành phố.
Kiên Cường/VnExpress