Căng thẳng giao thông những ngày giáp Tết

Thứ tư, 03/02/2016 13:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ sau ngày rằm tháng Chạp (ngày 25/1) đến nay, nhu cầu đi lại thăm hỏi, mua sắm Tết, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng mạnh, mật độ phương tiện lưu thông trên địa bàn các thành phố lớn tăng mạnh. Hầu hết các tuyến đường, phố chính tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng ùn ứ giao thông vào các khung giờ trong ngày.

Hai tuần lễ cuối năm Ất Mùi, đường phố Hà Nội vốn quanh năm đông đúc, lại oằn mình bởi mật độ phương tiện dày đặc. Phần lớn xe cộ lưu thông chở hàng hóa nặng nề, cồng kềnh, đi lại gấp gáp. Thời tiết Hà Nội luôn rét đậm, rét hại, kèm theo mưa, càng làm cho việc đi lại thêm khó khăn cho nên tình trạng ùn ứ và ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Điển hình là các tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm thành phố như: tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - Láng, Lê Trọng Tấn, Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc - Thái Hà, Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, Giảng Võ, Cát Linh, Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Cầu Giấy, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng. Mặc dù các lực lượng chức năng vẫn duy trì tối đa quân số chốt trực để điều khiển giao thông, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp.

Căng thẳng nhất là vào giờ cao điểm buổi chiều những ngày mưa gió như ngày 27 và 28/1, khi lượng phương tiện cá nhân tăng đột biến, nhất là số lượng xe ô-tô cá nhân và xe ta-xi hoạt động hết công suất đã khiến cho giao thông nhiều khu vực bị tê liệt. Nhiều trường học, học sinh tan muộn do bố mẹ đến đón chậm vì tắc đường. Giờ giấc làm việc, cũng như sinh hoạt của không ít gia đình bị đảo lộn vì mất quá nhiều thời gian đi lại ngoài đường.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, ở khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa than thở: “Bình thường từ nhà tôi đến trường học của con và nơi làm việc chỉ mất 20 phút, nhưng mấy ngày qua mất ít nhất là 60 phút”. Bên cạnh nguyên nhân do số lượng xe ô-tô cá nhân hoạt động quá lớn, ở một số tuyến phố, việc tổ chức giao thông bất hợp lý cũng là nguyên nhân gây ùn tắc. Anh Hoàng Đức Tuấn, ở ngõ 20 phố Lê Trọng Tấn phản ánh: “Đường Lê Trọng Tấn dẫn vào Khu đô thị Định Công đang được thi công mở rộng, việc rào chắn công trường làm phần lòng đường càng thêm nhỏ hẹp. Vào giờ cao điểm, không ít hôm tôi thấy các xe thu gom rác đỗ dưới lòng đường, thậm chí còn có cả xe tải lớn vận chuyển rác hoạt động. Hơn nữa, tại khu vực lối rẽ từ phố Lê Trọng Tấn vào Trần Điền, diện tích lòng đường không đủ vòng cua cho xe buýt, nhưng phương tiện này vẫn được duy trì hoạt động hai chiều. Mỗi khi xe buýt loay hoay quay rẽ tại ngã ba này thì cả tuyến phố ùn tắc kéo dài”.

Trong tháng 1/2016, các công trình giao thông quan trọng như hầm chui Trung Hòa, hầm chui Thanh Xuân và cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên đã hoàn thành và đưa vào khai thác, kịp thời giải tỏa lượng phương tiện rất lớn ra vào thành phố. Tuy nhiên, do tính chất chưa đồng bộ của hệ thống hạ tầng giao thông cho nên đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các tuyến đường phố trong nội thành có mật độ phương tiện cao hơn hẳn trước đó. Nếu như trước đây, lượng xe này bị ùn ứ tại các khu vực cửa ngõ và đường vành đai 3, thì năm nay với các công trình mới nêu trên, phương tiện nhanh chóng vào thành phố, gây quá tải cho các tuyến đường từ vành đai 3 trở vào trung tâm.

Trước tình hình này, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã triển khai các phương án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Lực lượng công an huy động tối đa quân số chốt trực trên các tuyến đường để hướng dẫn, kiểm soát phương tiện; tạm cấm các phương tiện xe tải hoạt động trong khu vực nội thành tính từ đường vành đai 3 trở vào thành phố, trừ các xe phục vụ hàng bình ổn giá. Ngành giao thông vận tải triển khai nhiều biện pháp về tổ chức giao thông, duy tu hạ tầng, tăng cường các hoạt động kiểm tra, xử lý xe vi phạm… Sở Giao thông vận tải đã xử lý, thu hồi phù hiệu của hàng trăm phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Nhờ vậy, đã giảm được tình hình phức tạp chung quanh khu vực các bến xe và các tuyến đường vành đai; tình trạng xe ta-xi dừng đỗ tùy tiện đón khách hoặc phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách.

Từ đầu tháng 2/2016, lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định. Đây là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao ý thức của tất cả những người tham gia giao thông... Tuy vậy, so với tình hình thực tế, những nỗ lực của các lực lượng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Tại TP Hồ Chí Minh những ngày giáp Tết, giao thông cũng hết sức căng thẳng. Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú cho biết, thách thức lớn nhất của sân bay hiện nay là giao thông tại những cửa ngõ ra, vào đang có chiều hướng ùn tắc nghiêm trọng. Trong các cửa ngõ thì đường Trường Sơn liên tục xảy ra kẹt xe vào nhiều thời điểm trong ngày, xe ô tô phải xếp hàng dài chờ lực lượng chức năng điều tiết. Theo tính toán của cơ quan chức năng, trong những ngày Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới, dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt tần suất 720 chuyến bay với 100 nghìn khách/ngày, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông tại cửa ngõ thành phố...

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc trong sân bay một phần là do nhiều phương tiện dừng đậu đón khách tùy tiện, ngăn cản luồng lưu thông. Dòng phương tiện vào sân bay có hai nhóm chính là xe đưa đón khách vào, ra sân bay. Do vậy, tại tuyến đường Trường Sơn vào sân bay nên làm một “lối thoát hiểm” cho các phương tiện. Tuyến đường thoát hiểm này chỉ có một nhánh, lưu thông một chiều và không được phép dừng đỗ. Khi có sự cố thì các phương tiện sẽ lưu thông vào hướng này để thoát ra.

Không chỉ tại khu vực sân bay, tại các bến xe, các cửa ngõ ra, vào thành phố, tình trạng kẹt xe cũng diễn ra trầm trọng và liên tục. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông cho biết, trong những ngày vừa qua, bình quân mỗi ngày bến xe đón gần 30 nghìn lượt khách, dự kiến sẽ tăng lên 50 nghìn lượt khách trong những ngày trước và sau Tết.

Còn tại Bến xe Miền Tây, ước lượng trong ngày 5 và 6/2 (ngày 27 và 28 Tết), lượng hành khách có thể đạt đến 56 nghìn khách/ngày.

Nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt giúp các phương tiện có lộ trình lưu thông phù hợp để tránh tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường cửa ngõ thành phố trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, mới đây, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã đưa ra bảy lộ trình hướng dẫn các loại xe lưu thông từ thành phố đi các tỉnh.

Bên cạnh việc phân luồng tuyến cụ thể, Sở Giao thông vận tải thành phố cũng sẽ kiểm tra đồng loạt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm tránh gây ùn tắc ở các giao lộ, đặc biệt là khu vực trung tâm và các cửa ngõ thành phố; yêu cầu các doanh nghiệp quản lý các trạm thu phí BOT tăng cường kiểm tra tại các tuyến, nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn phụ trách...

kimcuc

Nguồn: Báo: Nhân dân

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)