Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Sở GTVT Hà Nội cùng Bộ Cơ sở hạ tầng, đất đai và giao thông Hàn Quốc tổ chức cuộc họp Báo cáo giữa kỳ Dự án “Kế hoạch tổng thể ATGT cho Thủ đô Hà Nội”.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao nỗ lực của Nhóm nghiên cứu Hàn Quốc, đồng thời đề nghị Nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm mẫu; kế hoạch ATGT cấp tỉnh, thành phố có nội dung cụ thể từ mục đích đến giải pháp và trên cơ sở đó, thực hiện thí điểm ở Hà Nội, sau đó sẽ triển khai mở rộng ra tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG phát biểu tại cuộc họp
Ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị các đơn vị liên quan trong nước cần cung cấp cho Nhóm nghiên cứu đầy đủ thông tin, chi tiết về hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật về giao thông, ATGT từ Trung ương đến địa phương; bức tranh tổng thể về ATGT, những vấn đề mà Hà Nội đã và đang làm.
Đối với Sở GTVT Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng đề nghị Sở cần phải bắt tay nghiên cứu, rà soát ngay lại vấn đề hoạt động của tín hiệu đèn trên các tuyến đường của Thành phố, đặc biệt là những điểm tồn tại nhiều bất cập do các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc ghi nhận và nêu ra tại cuộc họp.
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đảm bảo ATGT là một nhiệm vụ mang tính cấp bách cần sự vào cuộc tổng thể của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, tình hình TTATGT trên địa bàn Thành phố có chiều hướng phức tạp, ùn tắc giao thông kéo dài về thời gian, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng được vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, chính vì vậy vấn đề ATGT phải được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động.
Tiến sĩ Young In Kwon đến từ Viện Nghiên cứu giao thông Hàn Quốc, Trưởng Nhóm nghiên cứu chia sẻ, trong chục năm qua, Hàn Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng, dân số tập trung về đô thị lớn khiến giao thông có nhiều áp lực, trở thành vấn đề nghiêm trọng. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc luôn chú trọng quan tâm đổi mới và đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng đó. Bằng những nỗ lực của mình, thành phố Seoul đã xây dựng được hệ thống hạ tầng giao thông đạt tiên chuẩn của các nước tiên tiến và trong quá trình xây dựng, phát triển đã tích lũy được những kinh nghiệm, giải pháp đa dạng giảm thiểu thiệt hại TNGT.
“Trong bối cảnh hợp tác toàn cầu, Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam phối hợp cùng triển khai nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực trong đó có giao thông. Chúng tôi xây dựng dự án nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề hiện có. Dự án này xây dựng Kế hoạch tổng thể ATGT cho Hà Nội và được Ủy ban ATGT Quốc gia cũng như các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học ở Việt Nam hỗ trợ. Tôi tin rằng đây sẽ là dự án thành công của 2 quốc gia, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức và mong nhận đc những ý kiến đóng góp từ phía Việt Nam”, - Tiến sỹ Young In Kwon nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn ra thường xuyên là do chu kỳ tín hiệu giao thông ở các nút giao chưa tương thích và tối ưu hóa với lưu lượng, diễn biến qua từng thời điểm tại những trục đường. Thực tế, một phần mềm điều chỉnh linh hoạt, tương thích với lưu lượng người tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Tại một điểm giao lớn, đèn xanh quá nhiều, người qua lại quá ít sẽ dẫn đến sự trường hợp vượt đèn, thiếu tuân thủ pháp luật. Ngược lại nếu đèn xanh quá ít, thời gian đèn đỏ quá nhiều thì việc ùn tắc là điều không thể tránh khỏi.
Ông Khuất Việt Hùng chụp ảnh cùng các đại biểu dự họp buổi báo cáo giữa kỳ
Tại buổi báo cáo giữa kỳ, Nhóm Nghiên cứu Hàn Quốc đã trình bày kế hoạch tổng thể ATGT cho Hà Nội với cách tiếp cận toàn diện và có chính sách đề xuất cụ thể. Theo đó, kế hoạch sẽ đưa ra các giải pháp giúp xây dựng môi trường giao thông đường bộ dảm bảo thuận tiện, an toàn cho Hà Nội. Mục tiêu đưa ra là đến năm 2022 giảm 20% số người chết do TNGT ở Hà Nội với chiến lược xây dựng sơ sở hạ tầng đường bộ an toàn, hình thành kế hoạch ATGT xe máy, thiết lập môi trường đường bộ an toàn, cải thiện hành vi người tham gia giao thông và cải thiện, xây dựng hệ thống quản lý ATGT.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc nhấn mạnh đến vấn đề cần thiết lập khu vực trường học an toàn tại Hà Nội, bởi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nặng nhất khi xảy ra TNGT. Tại Hàn Quốc, các trường học đều áp dụng mô hình này. Theo đó, khu trường học an toàn ở Hàn Quốc là một khu vực an toàn đặc biệt xung quanh trường học được chính quyền thành phố hoặc địa phương thiết kế để bảo vệ trẻ em khỏi rủi ro bị TNGT, trong phạm vi, bán kính 300m (500m nếu cần thiết) từ cổng chính của trường với tốc độ hạn chế là 30km/h.
Xuân Nguyên