Thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, tình hình an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tình hình vi phạm trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý là mặc dù đã bị cấm lưu hành nhưng tình trạng các phương tiện xe công nông, xe xích lô máy, xe thô sơ tự chế vẫn hoạt động thường xuyên trên tất cả các tuyến đường, nhất là khu vực nông thôn, là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đã có trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc cho nhân dân. Trước thực trạng trên, Công an huyện Kim Sơn đã ra quân, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Công an huyện Kim Sơn thu giữ nhiều xe tự chế
Cấm nhưng vẫn lưu hành
Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có nêu: “Từ ngày 1 tháng 1 năm 2008, đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh”. Mặc dù đã được ban hành hơn 10 năm, tuy nhiên, theo thống kê ước tính hiện nay trên địa bàn huyện Kim Sơn vẫn có hàng trăm xe tự chế, xích lô máy, xe lôi đang hoạt động. Đa phần những chiếc xe này được cải tiến từ động cơ xe máy hoặc máy cày, máy nổ, có bổ sung thêm nhiều bộ phận từ cần số, bánh xe, thùng xe đến đèn pha, ống pô, thiết kế không bảo đảm; người điều khiển phương tiện này hầu như không được đào tạo, đa số là lao động giản đơn ở nông thôn, không có giấy phép lái xe lại thường xuyên chở hàng cồng kềnh, người điều khiển thường cố nhồi nhét cho đầy để tránh đi lại nhiều lần, nên nguy cơ gây mất an toàn giao thông là rất cao. Thực tế, đã có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn liên quan đến xe tự chế.
Điển hình là vào khoảng 17h15 ngày 31/8/2017, tại tuyến đường ĐT 481Đ (Quốc lộ 10 cũ) xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa xe “ba gác” tự chế do ông Trần Văn Phường, trú tại xã Yên Lộc điều khiển chở tôn đi theo hướng Thanh Hóa - Kim Sơn và xe mô tô không gắn biển kiểm soát do anh Phùng Văn Đông trú tại xã Lai Thành điều khiển, khiến anh Phùng Văn Đông tử vong tại chỗ.
Được biết, tình trạng xe tự chế hoạt động phổ biến trên địa bàn Kim Sơn xuất phát từ những tiện ích của loại hình phương tiện này mang lại như: dễ hoạt động trong các đường nhỏ, ngõ hẹp, giá cả phù hợp nên nhiều người dân vẫn thuê xe công nông, xe tự chế để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... còn về phía các chủ xe thì thấy cái lợi trước mắt mà “phớt lờ” các quy định, không quan tâm đến sự an toàn của người khác cũng như chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở cơ sở đối với loại hình phương tiện này trước đây còn bị buông lỏng.
Kiên quyết xử lý
Lý giải thêm về việc xe tự chế vẫn hoạt động mặc dù bị cấm lưu hành từ lâu, đồng chí Lê Văn Phú, Phó trưởng Công an huyện Kim Sơn cho biết: Một trong những nguyên nhân là do lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng, không thể có mặt ở khắp các tuyến đường ngang, ngõ tắt để kiểm tra, xử phạt dẫn đến một bộ phận nhờn luật, bất chấp quy định. Bên cạnh đó, theo tính toán mỗi xe công nông, xe tự chế có giá trị tới hàng chục triệu đồng, đây là tài sản lớn so với mức thu nhập của nông dân nên việc dỡ bỏ để chuyển đổi công năng cũng khiến họ tiếc nuối, cố giữ lại để hoạt động, dù biết pháp luật đã cấm.
Để chấm dứt tình trạng các loại xe công nông, xe tự chế hoạt động trên địa bàn góp phần đưa Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông thực sự đi vào cuộc sống, Công an huyện Kim Sơn đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản về tăng cường tuyên truyền xử lý các phương tiện xe công nông, xe xích lô máy, xe thô sơ tự chế, yêu cầu các xã, thị trấn cùng vào cuộc. Đồng thời, mở đợt cao điểm xử lý nghiêm phương tiện công nông, xích lô máy, xe thô sơ tự chế, tự lắp ráp. Trong đó, trọng tâm là phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các phương tiện công nông, xích lô máy, xe thô sơ tự chế để nhân dân tự giác chấp hành việc phá bỏ, tháo dỡ và cam kết không cho người khác thuê để sử dụng, lưu hành loại phương tiện này.
Bên cạnh đó, Công an huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện này khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, nhất là trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, kiên quyết tạm giữ, đình chỉ hoạt động của phương tiện. Chỉ trong tháng 9/2017, Công an huyện Kim Sơn đã kiểm tra, xử lý, thu giữ 52 phương tiện xe tự chế và 60 xe lôi. Cùng với đó, Công an huyện đã tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động giáo dân, phật tử chấp hành các quy định của pháp luật, không sử dụng các phương tiện công nông, xe xích lô máy, xe tự chế tham gia giao thông. Hướng dẫn công an các xã khảo sát, lập danh sách các hộ gia đình, cá nhân sử dụng các phương tiện trên; yêu cầu các chủ cơ sở chấm dứt việc sản xuất, lắp ráp.
Với sự cương quyết của lực lượng Công an huyện Kim Sơn, đến nay số xe công nông, xe tự chế, tự lắp ráp trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, tình trạng các xe công nông, xe tự chế hoạt động trên các tuyến đường đã được hạn chế. Thời gian tới, Công an huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các xe vi phạm, phấn đấu từ nay đến hết năm 2017 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng xe công nông, xe tự chế hoạt động trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, sự bình yên cho nhân dân trên mỗi tuyến đường quê hương.