Mặc dù thời gian qua trên các tuyến sông Hồng, sông Lô (địa phận Phú Thọ) đã có một số cầu, song nhu cầu đi lại bằng đò ngang của người dân vẫn còn nhiều do thuận lợi về khoảng cách giao thông.
Mặc dù thời gian qua trên các tuyến sông Hồng, sông Lô (địa phận Phú Thọ) đã có một số cầu, song nhu cầu đi lại bằng đò ngang của người dân vẫn còn nhiều do thuận lợi về khoảng cách giao thông. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 20 bến đò ngang và một bến phà, trong đó nhiều bến đò ngang hoạt động tương đối sầm uất như bến đò Phú Lạc, Chí Tiên nối huyện Cẩm Khê với Thanh Ba; bến đò Lời nối Lâm Thao sang Tam Nông đi Thanh Thủy; bến đò Triều Dương nối Việt Trì với Ba Vì (Hà Nội). Đặc biệt các bến đò dọc sông Lô, sông Đà như các bến khu vực thị trấn Đoan Hùng, Chí Đám huyện Đoan Hùng; bến đò xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, bến Đồng Luận, Yến Mao huyện Thanh Thủy... nơi chưa có cầu ngang sông đò vẫn là phương tiện chủ đạo giao lưu giữa hai bờ. Hầu hết đây là những bến đò có từ lâu đời, qua nhiều lần chấn chỉnh, nâng cấp đảm bảo ATGT. Tuy quy mô hoạt động mỗi bến đò có khác nhau nhưng nhìn chung thời gian qua hoạt động tương đối an toàn, đảm bảo giao lưu thuận tiện. Để đáp ứng yêu cầu đi lại của người, phương tiện kỹ thuật, hàng hóa qua lại an toàn, nhiều bến đã đầu tư làm nhà chờ, đường lên xuống đổ bê tông, mua sắm phương tiện đò ngang hiện đại, có máy đẩy, thậm chí có bến còn sắm cả ca nô tự hành có thể chở xe ô tô nhỏ... Tóm lại đến nay cảnh thuyền nan, bơi chèo thủ công làm phương tiện đò ngang chuyên chở khách đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là đò sắt, máy đẩy. Dù vậy việc chấp hành các quy định, đảm bảo ATGT tại các bến đò ngang vẫn còn nhiều sai phạm, qua kiểm tra rà soát cho thấy việc chấp hành quy định mở bến, quản lý phương tiện và người điều khiển còn một số bất cập.
Đảm bảo an toàn giao thông cho khách qua sông luôn là điều kiện tiên quyết với các nhà đò
Về điều kiện mở bến qua kiểm tra vẫn còn tình trạng giấy phép đã hết hạn, không có nhà chờ, bảng niêm yết giá, không có biển báo hiệu đường thủy nội địa. Điển hình như các bến đò Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn); bến Chí Đám, Hữu Đô (huyện Đoan Hùng); bến TX Phú Thọ; bến Lâm Lợi, Động Lâm (huyện Hạ Hòa)... không có nhà chờ cho khách. Đặc biệt do luồng chảy thay đổi, bờ, bến bồi lấp một số nơi phải dịch chuyển, mở bến ở nơi không thuận lợi, đường lên xuống khó khăn như bến đò An Đạo, Tiên Du, Yến Mao... Về điều kiện phương tiện và người điều khiển vẫn còn tình trạng đò thiếu chứng nhận kiểm định, người điều khiển không có chứng chỉ chuyên môn. Tại bến đò An Đạo, Tiên Du, Tinh Nhuệ, Thanh Hà, Đồng Luận... nhiều đò giấy chứng nhận đăng kiểm đã hết hạn từ 1-3 tháng, giấy đăng kiểm với đăng ký không trùng khớp. Có hai bến Đồng Luận và Chí Tiên người điều khiển đò ngang không có bằng và chứng chỉ chuyên môn... Thậm chí có bến ít khách chỉ có một người điều khiển. Vừa qua sau khi kiểm tra, chấn chỉnh đoàn kiểm tra của tỉnh đã phải tạm đình chỉ hoạt động 6 bến và 7 phương tiện.
Trong tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, dù hệ thống cầu, cống, tràn ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng trên nhiều tuyến giao thông thay thế dần phương tiện đò ngang thủ công, tuy vậy do môi trường ăn ở, yêu cầu giao lưu nhiều địa phương vẫn duy trì phương tiện đò ngang. Từ kết quả kiểm tra thời gian qua cho thấy nếu không tăng cường quản lý, giám sát tình trạng mất an toàn đò ngang là rất dễ xảy ra. Để đảm bảo an toàn các địa phương có đò ngang cần thường xuyên kiểm tra, kiên quyết đình chỉ những bến, phương tiện, người điều khiển không đủ điều kiện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa. Đối với chủ phương tiện cần thấy rõ trách nhiệm trước cộng đồng, lấy việc đảm bảo an toàn lên hàng đầu, tự giác chấp hành tuân thủ các quy định của pháp luật, không để xảy ra mất an toàn.
Nguồn: Báo Phú Thọ