Kon Tum: Cần nhanh chóng gắn biển cấm không cho người dân qua lại cầu treo xuống cấp nghiêm trọng

Thứ hai, 05/05/2014 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo báo cáo của Sở GTVT Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có 220 cầu treo, trong đó có 217 cầu treo dân sinh và 3 cầu treo dành cho ô tô. Trong đó, số cầu treo bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại có 103 cái, chiếm tỷ lệ 47%. Số còn lại 117 chiếc cầu treo (chiếm 53% trong tổng số cầu treo toàn tỉnh) không bảo đảm ATGT cần phải sửa chữa. Đây là vấn đề cần phải quan tâm khắc phục.

Theo báo cáo của Sở GTVT Kon Tum, hiện nay toàn tỉnh có 220 cầu treo, trong đó có 217 cầu treo dân sinh và 3 cầu treo dành cho ô tô. Trong đó, số cầu treo bảo đảm an toàn giao thông cho người dân đi lại có 103 cái, chiếm tỷ lệ 47%. Số còn lại 117 chiếc cầu treo (chiếm 53% trong tổng số cầu treo toàn tỉnh) không bảo đảm ATGT cần phải sửa chữa. Đây là vấn đề cần phải quan tâm khắc phục. 

Cũng qua rà soát ở tất cả các huyện, thành phố thì hầu như các huyện đều có số cầu treo không bảo đảm ATGT. Đáng lưu ý hơn nữa là trong số đó có không ít cầu treo dân sinh do nhân dân tự làm, không có thiết kế kỹ thuật, nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Ngoài ra, cũng có không ít cầu treo đã xuống cấp, hư hỏng do thiên tai đến nay chưa được khắc phục.

Một trong những địa phương có số cầu treo xuống cấp, cần sửa chữa là huyện Tu Mơ Rông. Theo báo cáo của huyện Tu Mơ Rông thì toàn huyện hiện có có 32 cầu treo cần đầu tư, sửa chữa gấp. Hầu như các cầu treo này đều bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí một số cây cầu được người dân chắp vá tạm bợ, một số thì bị sạt lở các mố cầu, hư hỏng ván mặt cầu, gây khó khăn cho người dân khi đi lại và nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Chẳng hạn như chiếc cầu treo của làng Kon HNông, xã Đăk Tờ Kan, có tổng chiều dài gần 100m, bề rộng khoảng 1,2m, là phương tiện đi lại hàng ngày của người dân làng Kon HNông. Tuy nhiên, mặt gỗ của cây cầu nhiều chỗ đã bị mục nát và hư hỏng, tạo thành lỗ trống rộng từ 0,2 - 1m, có đoạn dài trên 1m, người dân phải lắp thêm miếng ván để đi qua.

Không chỉ có ở huyện Tu Mơ Rông mà hầu hết các huyện khác cũng đều có cầu treo bị xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông, cần phải sửa chữa khắc phục. Đặc biệt, điều đáng nói, có 9 cầu treo dân sinh do người dân tự xây dựng không có hồ sơ thiết kế, hiện đang bị hư hỏng nặng.

Mới đây tại hội nghị sơ kết 4 tháng công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại tất cả cầu treo trên địa bàn, từ đó phân loại và xây dựng kế hoạch sửa chữa, đặc biệt là các cầu treo đã xuống cấp. Đồng chí cũng lưu ý phải đặc biệt chú ý đến công tác thiết kế, xây dựng cầu treo. Đối với cầu treo hư hỏng nặng do thiên tai bão lũ, các huyện, thành phố tổng hợp gửi ngay về Sở GTVT, để trình cho UBND tỉnh để có giải pháp khắc phục kịp thời. Riêng đối với những cầu treo hư hỏng quá nặng thì gắn biển cấm không cho người dân qua lại, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là mùa mưa đã bắt đầu.

Cũng tại buổi sơ kết này, hầu như tất cả các huyện thành phố đều đề nghị cấp kinh phí để sửa chữa các cầu treo bị hư hỏng. Tuy nhiên, tỉnh ta là tỉnh nghèo, nguồn kinh phí có hạn nên khó có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn để khắc phục.

Theo báo cáo của Sở GTVT thì sở này đã đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí để đầu tư mới cho 69 cầu treo với tổng kinh phí lên tới hơn 370 tỷ đồng. Đây quả là số tiền không nhỏ và phải chờ duyệt kinh phí để khắc phục, đầu tư lại những cầu treo xuống cấp.

Vì vậy, trong khi chờ và tìm nguồn kinh phí, thì công tác bảo đảm ATGT đối với hệ thống cầu treo là rất quan trọng, đặc biệt là Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa thì vấn đề này càng cần phải được quan tâm hơn. Thiết nghĩ, đối với các cầu treo bị hư hỏng mặt cầu thì chính quyền xã, huyện cần huy động nhân dân cũng như chủ động các nguồn kinh phí của địa phương sửa chữa tạm, gắn biển cảnh báo để người dân biết, đề phòng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông ông A Hơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, kiểm tra tất cả các cây cầu có nguy cơ mất an toàn cao, cầu bị xuống cấp báo cáo huyện để có hướng xử lý kịp thời. Nhưng trước mắt, huyện yêu cầu gắn biển cảnh báo về trọng tải, về độ an toàn của cây cầu để người dân biết và chủ động phòng tránh. Các xã cũng đã vận động nhân dân sử dụng những cây cầu này tiếp tục gia cố hoặc thay thế những bộ phận bị hư hỏng và mục nát, nhằm bảo đảm an toàn khi qua lại cầu.

Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi đi cầu treo, chính quyền các địa phương cần nhanh chóng gắn các biển cảnh báo, đồng thời huy động nhân dân sửa chữa lại những ván mặt cầu hư hỏng và kiên quyết không cho người dân qua lại đối với những cầu treo xuống cấp nặng, không bảo đảm an toàn…

Nguồn: Báo CA Kon Tum

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)