Quảng Ninh: Tình hình ATGT trong 6 tháng đầu năm 2013

Thứ hai, 22/07/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2013, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh đã giảm ở 2 tiêu chí đó là số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT vẫn còn khá cao, tình trạng vi phạm chưa thực sự được cải thiện... Đây vẫn là những nỗi lo thường trực về nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2013, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh đã giảm ở 2 tiêu chí đó là số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, số vụ TNGT vẫn còn khá cao, tình trạng vi phạm chưa thực sự được cải thiện... Đây vẫn là những nỗi lo thường trực về nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng.

Thực hiện mục tiêu phấn đấu kéo giảm cả 3 tiêu chí xuống từ 5 đến 10%, ngay từ đầu năm 2013, các lực lượng chức năng, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã xác định, tuyên truyền là khâu then chốt nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu, chủ động thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc, đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện. Qua đó, Ban đã tổ chức được 18 buổi tập huấn tuyên truyền cho 1.640 các cán bộ chủ chốt từ cấp cơ sở những kiến thức pháp luật về trật tự ATGT. Đặc biệt, triển khai tuyên truyền về Quy tắc giao thông tại các nhà chờ xe buýt, in tài liệu phát cho lái xe, tuyên truyền tại trường học về MBH đạt chuẩn, quy định khi đi xe đạp điện phải đội MBH… Việc tuyên truyền được triển khai tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên.

Trong 6 tháng đầu năm 2013 này, các địa phương, tổ chức đoàn thể đã triển khai tháng thanh niên với ATGT; đoạn đường thanh niên tham gia quản lý; tổ chức ký cam kết 100% đoàn viên, thanh niên tuân thủ Luật Giao thông đường bộ… Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, nhiều hình thức tuyên truyền đã được áp dụng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, làm thay đổi hành vi tham gia giao thông và ứng xử có văn hoá của người dân như: Tổ chức toạ đàm, tập huấn, thi Giao thông thông minh trên internet; in, treo nhiều panô, khẩu hiệu, tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền. Đặc biệt, các cấp, ngành và địa phương đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào đảm bảo trật tự ATGT như: hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 2 với chủ đề “Nâng cao an toàn cho người đi bộ”; tiếp tục duy trì Chương trình Radio Giờ cao điểm... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông và được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, đón nhận.

Song song với tuyên truyền, các lực lượng chức năng cũng đã chủ động tăng cường rà soát và củng cố lại cơ sở hạ tầng giao thông; đặt biển báo, lắp đèn tín hiệu, rà soát các điểm đen, vị trí mất trật tự ATGT để khẩn trương khắc phục. Công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng được đẩy mạnh. Lực lượng CSGT và TTGT liên tục mở các chuyên đề kiểm tra vi phạm về tốc độ, không đội MBH khi tham gia giao thông, sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải hành khách, vận tải taxi… Lực lượng chức năng đã xử lý 82.727 trường hợp vi phạm ATGT đường bộ, 2.278 trường hợp vi phạm đường thuỷ, tạm giữ 4.508 phương tiện, tước 4.753 GPLX, tổng số tiền phạt hơn 61 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2012, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm ở 2 tiêu chí là giảm 2 người chết và 12 người bị thương nhưng số vụ TNGT vẫn còn khá cao (toàn tỉnh xảy ra 74 vụ TNGT, làm chết 56 người, bị thương 57 người); đặc biệt, tình trạng vi phạm luật lệ ATGT chưa được cải thiện, nhất là trên tuyến quốc lộ. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT. Qua phân tích số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn cho thấy, trong số 74 vụ TNGT có đến 29 vụ đi không đúng phần đường quy định; 17 vụ do chạy xe quá tốc độ; 7 vụ vượt sai quy định… Cùng với đó là hè phố còn bị chiếm dụng làm dịch vụ, gây mất mỹ quan, mất ATGT. Thêm nữa, quốc lộ 18A đoạn Hạ Long - Uông Bí đang thi công nâng cấp, cải tạo, khiến mặt đường hẹp nên tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và TNGT; một số điểm đen gây TNGT được Sở GT-VT tỉnh báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho triển khai xử lý vẫn chưa được thực hiện. Một số đơn vị công an cấp huyện và cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác tuần tra, xử lý vi phạm; hoạt động của một số tổ tự quản về trật tự ATGT chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả không cao.

Từ những nguyên nhân trên có thể thấy, nhiệm vụ kéo giảm cả 3 tiêu chí xuống 5 đến 10% theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2013 sẽ là rất khó thực hiện. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành cần siết chặt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự ATGT. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cần tiến hành thường xuyên, dài hơi hơn nữa. Công tác tuyên truyền cũng cần mạnh dạn đổi mới hình thức như khai thác triệt để hiệu quả của hình thức sân khấu hoá; lựa chọn và hướng đến một đối tượng cụ thể, có thể là học sinh, sinh viên hoặc công nhân hoặc người dân tại các khu dân cư... Cùng với đó, tăng cường khảo sát, kiến nghị, khắc phục kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và “điểm đen” TNGT trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ. Đặc biệt, từ cấp tỉnh đến cơ sở cần nghiêm túc xác định rõ nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT, nhất là các địa phương có số người chết tăng cao để có biện pháp khắc phục; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT tại các địa bàn dân cư, khu vực đường liên thôn, xã, khu vực vùng sâu, vùng xa đảm bảo tính bền vững.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)