Cà Mau: Người tham gia giao thông chưa thực hiện nghiêm việc mặc áo phao

Thứ tư, 25/09/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tai nạn giao thông đường thuỷ tuy chiếm tỷ lệ thấp hơn so với đường bộ, nhưng thiệt hại về người thường chiếm tỷ lệ cao. Thế nên, mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi khi tham gia giao thông (TGGT) đường thuỷ là bảo đảm tính mạng cho người TGGT.
Tai nạn giao thông đường thuỷ tuy chiếm tỷ lệ thấp hơn so với đường bộ, nhưng thiệt hại về người thường chiếm tỷ lệ cao. Thế nên, mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi khi tham gia giao thông (TGGT) đường thuỷ là bảo đảm tính mạng cho người TGGT.
Vấn đề này đã được quy định tại Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và gần nhất là Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), có hiệu lực thi hành vào ngày 15/7/2012. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa có chế tài xử phạt nên chủ phương tiện và người TGGT cố tình phớt lờ.
Tập trung công tác tuyên truyền
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 190 bến thuỷ nội địa, trong đó có 61 bến khách và trên 130 bến khách ngang sông. Giao thông đường thuỷ vốn phức tạp hơn nhiều so với đường bộ, nhưng thực tế trong số hơn 190 bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 70 bến hoạt động có phép.
Hơn 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 15, việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh đối với các phương tiện vận tải công cộng đường thuỷ nội địa đều mang tính đối phó, còn đối với người TGGT trên các phương tiện này thì áo phao chỉ để… làm cảnh.
Thực tế tại bến phà ấp 4, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, số người qua lại có lúc rất đông, nhưng trên phà chỉ có vài chiếc áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh.
Khi phóng viên thắc mắc: “Sao ít người mặc áo phao thế?”, anh lái phà đáp trả tỉnh queo: “Trang bị cho có chớ ai mà sử dụng, tuyến sông này nhỏ lại ít phương tiện, thoắt một cái đã tới bờ bên kia. Có gì mà lo”. Còn khách đi trên phà cũng vô tư: “Đoạn sông ngắn, mặc áo phao vào chưa xong đã phải cởi ra, phiền lắm!”.
Đây cũng là “lý do” chung của hầu hết những người TGGT trên các phà, đò ngang… ở Cà Mau. Trong khi đó, trên các phương tiện chạy tuyến cố định đường dài, các chủ phương tiện cũng chưa thực hiện nghiêm Thông tư 15 và người đi trên các phương tiện này cũng không ai “thích” mặc áo phao.
Thiếu tá Lê Minh Bàn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát đường thuỷ (CSĐT), Công an tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trước tiên, CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động các bến thuỷ nội địa.
Từ đây cho đến ngày Nghị định 93 có hiệu lực thi hành, Phòng CSĐT sẽ kết hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện và người TGGT. Đồng thời, kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng Nghị định 93 của Chính phủ để nâng cao ý thức người TGGT”.
Quy định của Chính phủ thì phải thực thi nghiêm túc
Kiểm soát, quản lý bến thuỷ nội địa trên tuyến sông lớn liên tỉnh, các tuyến sông nơi trung tâm xã, phường… đã khó, trong khi đó có không ít bến đò ngang và bến phà qua kinh, rạch… hoạt động rất phức tạp.
Và với điều kiện giao thông đường thuỷ ở Cà Mau, những bến phà, đò ngang trên các kinh, rạch, tuyến sông nhỏ… và người TGGT trên các tuyến này có “châm chế” khi áp dụng Nghị định 93 của Chính phủ.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Bắt buộc phải trang bị áo phao, vật nổi cứu sinh đối với các phương tiện thuỷ hoạt động công cộng và người đi trên đó phải mặc áo phao đã được quy định tại Thông tư số 15 của Bộ GTVT.
Hơn 1 năm qua, công tác tuyên truyền cũng đã được lực lượng chức năng và các cấp, các ngành phổ biến rộng. Vấn đề là do ý thức người TGGT kém. Vì vậy, chế tài xử phạt theo Nghị định 93 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm”.
Hiện tại, Ban ATGT đã có công văn đề nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra các bến thuỷ nội địa, nhắc nhở các chủ phương tiện phải trang bị áo phao đúng quy định (định lượng số hành khách qua lại 1 lượt bao nhiêu người thì phải trang bị bao nhiêu áo phao).
Đồng thời, vận động người đi đò, qua phà… phải mặc áo phao (nếu tuyến sông ngắn thì chủ phương tiện phải đợi những người đi trên đó mặc xong áo phao mới xuất bến).
Song song đó là tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Xử phạt cũng chỉ mang tính răn đe, điều cần thiết là mỗi người đều ý thức trách nhiệm cao thì sẽ tạo chuyển biến tích cực./.

Theo Nghị định số 93/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thuỷ nội địa (sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 15/10/2013) thì người TGGT không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi đi trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng.


Nguồn: Báo Cà Mau

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)