Đắc Lắc: Nói “không” với rượu, bia khi tham gia giao thông

Thứ hai, 18/03/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong số hơn 36 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2012 thì có tới 50% số vụ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia.
Theo điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong số hơn 36 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong năm 2012 thì có tới 50% số vụ do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia.

Rõ ràng, rượu, bia đã “tiếp tay” để TNGT xảy ra, song việc ngăn chặn lại chưa hiệu quả. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người điều khiển phương tiện giao thông không sử dụng rượu, bia là một trong những vấn đề cần được quan tâm.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm cả nước có một vạn người chết do TNGT. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, song trong số đó có tới 50%-60% là do người điều khiển các phương tiện giao thông uống rượu, bia. Thực tế có nhiều người sau khi uống nhiều rượu, bia vẫn tiếp tục điều khiển xe máy tham gia giao thông, dẫn đến TNGT, không chỉ làm thiệt hại cho bản thân mà còn gây ra những cái chết oan để lại nỗi đau cho nhiều người khác. Có những trường hợp “cười ra… nước mắt”, chẳng hạn mới đây một thanh niên sau khi uống rượu ngà ngà say, mặc cho mọi người ngăn cản vẫn kiên quyết leo lên xe máy “phóng” gần 100km từ huyện Lak về Cư M’gar. Anh kể: “Dù đã kéo hết ga nhưng vẫn thấy xe chạy chậm, rồi không hiểu vì sao mình lại ngã nhào xuống vệ cỏ bên đường và ngủ một giấc ngon lành, khi tỉnh dậy mới thấy “hú hồn” may mắn là vẫn an toàn nhưng cũng từ đó mình “cảnh giác” hơn khi uống rượu, bia”.

Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong tỉnh Đắc Lắc đã triển khai đồng bộ những giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất TNGT xảy ra, đặc biệt chú trọng biện pháp “Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia” theo tinh thần Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ. Tiêu biểu như huyện Cư M’gar với việc cấm uống rượu, bia trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa những ngày làm việc và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 16, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cán bộ đảng viên trong huyện không được uống rượu, bia hoặc đồ uống có cồn vào thời gian trước, trong giờ làm việc; các cơ quan, đơn vị không tổ chức liên hoan, mời cơm thân mật vào buổi trưa, trường hợp có tổ chức thì tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn… Thực hiện Chỉ thị, tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc quy định cấm uống rượu bia trong ngày làm việc và lấy đó làm một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý mạnh tay các trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức; tổ chức ký cam kết bảo đảm TTATGT với 56 cơ quan, đơn vị; phát tờ rơi tuyên truyền về “phòng chống lạm dụng rượu bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ”… Qua đó, từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân, để họ hiểu rõ tính chất nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng thường xuyên mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trong toàn huyện. Từ những ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn, tập trung vào các tuyến địa bàn thường xuyên xảy ra TNGT, phát hiện lỗi vi phạm. Năm 2012, lực lượng CSGT đã tổ chức 952 ca tuần tra, kiểm soát phát hiện và lập biên bản 8.263 trường hợp vi phạm Luật GTĐB; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8.020 trường hợp; tước giấy phép lái xe có thời hạn 158 trường hợp; thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng. Từ đó đã đạt được những hiệu quả bước đầu, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Cụ thể, toàn huyện xảy ra 18 vụ TNGT, làm chết 21 người, bị thương 15 người (so với cùng kỳ năm 2011 giảm 6 vụ, giảm 4 người chết và 5 người bị thương); va chạm giao thông xảy ra 35 vụ, làm 58 người bị thương (giảm 3 vụ, 6 người bị thương). Trong thời gian 9 ngày Tết (từ mùng Một đến mùng Chín Tết Nguyên đán Quý Tỵ), trên địa bàn chỉ xảy ra 2 vụ va chạm giao thông nhẹ, làm 2 người bị thương…

Ông Phạm Văn Trình, Thường trực Ban ATGT huyện Cư M’gar cho biết: Cấm cán bộ, công chức sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, nhất là những công việc có tiếp xúc với dân vừa bảo đảm sức khỏe cho cán bộ vừa bảo đảm công việc và xây dựng hình ảnh đẹp về công chức, công sở. Đây còn là giải pháp quan trọng nâng cao ý thức người tham gia giao thông, tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật khi lái xe thì không uống rượu, bia.

Nguồn: Báo Đắc Lắc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)