Thái Bình: Để an toàn giao thông trở thành ý thức tự giác của mỗi người

Thứ sáu, 22/03/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo số liệu thống kê, ở nước ta tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đứng thứ ba (11%) sau tử vong do bệnh tim mạch (18%) và nhiễm khuẩn (15%). Trong đó, tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích, riêng TNGT đường bộ chiếm 94,56%.
Theo số liệu thống kê, ở nước ta tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích đứng thứ ba (11%) sau tử vong do bệnh tim mạch (18%) và nhiễm khuẩn (15%). Trong đó, tai nạn giao thông (TNGT) là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích, riêng TNGT đường bộ chiếm 94,56%.

Đối với tỉnh Thái Bình, năm 2012 đã giảm được cả 3 tiêu chí về an toàn giao thông (ATGT): số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, khi hạ tầng giao thông chưa song hành cùng sự gia tăng của phương tiện, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, TNGT luôn là nguy cơ tiềm ẩn, đòi hỏi tiếp tục tăng cường đồng bộ các giải pháp để ATGT trở thành ý thức tự giác của mỗi người.

Nhìn lại năm 2012, qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 78.227 trường hợp vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tạm giữ 9.122 lượt phương tiện, tước có thời hạn 2.314 giấy phép lái xe (GPLX). Lực lượng Thanh tra giao thông đã tước 291 GPLX ô tô các loại, lập 960 biên bản VPHC, xử phạt 932 trường hợp, thu nộp Kho bạc gần 800 triệu đồng. Theo ông Trịnh Xuân Hảo, Chánh thanh tra Sở GTVT, so với năm 2011, số vụ VPHC tăng 46%, số vụ xử lý tăng 47% và số tiền xử phạt tăng 54%. Những con số trên cho thấy việc thực hiện xử lý nghiêm túc theo quy định pháp luật của các cơ quan chức năng song cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông. Các lỗi chủ yếu là: chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; đỗ, dừng sai quy định... Những lỗi này không thuộc trường hợp bất khả kháng, không do khách quan mang lại... mà ở ý thức người tham gia giao thông. Chưa hết, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý, người vi phạm nhẹ thì gọi điện “xin trợ giúp”, nặng thì có những hành vi xúc phạm, thậm chí chống lại người thi hành công vụ như vụ xô xe gây thương tích cho chiến sỹ cảnh sát cơ động tại cầu Kìm (Vũ Lạc, Thành phố Thái Bình) vừa qua...

Có thể đếm không hết muôn hình vạn trạng các kiểu không chấp hành hoặc coi thường Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ những người tham gia giao thông, điển hình là cánh lái xe khách đường dài, taxi, xe côngtenơ... Theo đơn thư của một số lái xe tuyến Thái Bình đi miền Trung, chúng tôi đã “mục sở thị” hình ảnh xe ô tô chạy từ Hải Phòng về ngang nhiên dừng, đỗ đón, trả khách ngay ngã tư cạnh Bến xe Trung tâm Thành phố Thái Bình. Những người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, có một “luật bất thành văn” là chỉ khi có bóng áo vàng của Cảnh sát giao thông, bóng áo xanh của Thanh tra giao thông thì người điều khiển phương tiện mới “chịu” chấp hành luật răm rắp. Nhưng những lực lượng này thì mỏng, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp lại thiếu, yếu hoặc đã lỗi thời. Một số cán bộ, đảng viên ý thức thiếu tính gương mẫu, một số cơ quan, đơn vị thờ ơ cho rằng ATGT là trách nhiệm của... một ai đó.

Theo Ban ATGT tỉnh Thái Bình, năm 2012 cơ quan chức năng đã thông báo về các địa phương, đơn vị tổng số 17.263 trường hợp vi phạm để phối hợp giáo dục, nhưng thông tin hồi âm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay như địa bàn huyện Quỳnh Phụ nhận lại 117/2.060 phiếu, Thái Thụy 29/1.332 phiếu... Điều đáng lo ngại, tất cả các trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh có người vi phạm được thông báo, phiếu hồi âm cho cơ quan chức năng đều “bặt vô âm tín”. Rõ ràng là văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông chưa được cải thiện và những vụ chống người thi hành công vụ trong giao thông đang có xu hướng tăng lên, gây bức xúc dư luận xã hội. Để có văn hóa giao thông, điều đầu tiên và cơ bản nhất của người tham gia giao thông là hiểu biết đầy đủ, đúng đắn pháp luật. Từ đó thực hiện tốt mọi quy định của luật, từ cử chỉ, hành động đến thái độ, lời nói và phương tiện... đều cần sự chuẩn mực một cách tự giác. Nhận thức rõ điều đó, trong năm 2012, các cơ quan chức năng, đoàn thể đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT. Ban ATGT tỉnh cho in và phát hành 200 băng rôn, 120.000 tờ rơi, 25.000 áp phích, 30.000 quyển lịch tuyên truyền về ATGT, cấp 5.000 bản Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ cho các đơn vị chức năng, Ban ATGT các huyện, Thành phố, các tổ chức đoàn thể làm tài liệu tuyên truyền. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử... thường xuyên đăng tải tin tức, bài viết để động viên, cổ vũ phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT, phòng tránh tai nạn. Ngoài phối hợp với Ban ATGT tỉnh, Báo Thái Bình còn ký kết tuyên truyền Dự án tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam (vốn vay JICA) với chủ đề: Các quy tắc giao thông đường bộ; phát triển văn hóa giao thông; đi và qua đường an toàn; ATGT vào ban đêm; rượu bia và ATGT... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hướng dẫn ký cam kết cho 2.048 khu dân cư về hưởng ứng xây dựng khu dân cư an toàn, đoạn đường an toàn, không có vi phạm về ATGT.

Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013 là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng dân cư. Kiên quyết kiềm chế không để gia tăng TNGT, phấn đấu giảm cả 3 tiêu chí theo mục tiêu của Chính phủ. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, các lực lượng chức năng, những người giám sát và thực thi luật pháp cần kiên quyết xử phạt người vi phạm bảo đảm đúng mực, khách quan và công bằng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng quy chế xử lý đối với cán bộ, đảng viên vi phạm ATGT, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc thông tin vi phạm của người thuộc đơn vị mình...

Nguồn: Báo Thái Bình

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)