Lạng Sơn: Xử phạt vi phạm TTATGT phải tăng sức răn đe để ngăn ngừa tai nạn giao thông

Thứ ba, 07/08/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt phần nào đã có tác động răn đe, giáo dục đối với một bộ phận người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ bất cập, hạn chế: một số chế tài chưa đủ mạnh và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng...
Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB) theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt phần nào đã có tác động răn đe, giáo dục đối với một bộ phận người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ bất cập, hạn chế: một số chế tài chưa đủ mạnh và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng...

Chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2010, so với Nghị định 146/2007 trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc bảo đảm ATGT đường bộ. Nhìn chung, mức tiền phạt các hành vi vi phạm quy định ở nghị định này hầu hết đều tăng từ 50 đến 150% so với quy định tại Nghị định 146 nhằm tăng khả năng răn đe, giáo dục phòng ngừa. Chẳng hạn, người điều khiển ôtô chạy quá tốc độ hơn 35 km, có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng (mức cũ 3 đến 5 triệu đồng). Người điều khiển xe mô tô, xe máy có hành vi lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép... bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng (cao hơn trước 1 đến 2 triệu đồng).

Tại Lạng Sơn, trong hơn 2 năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền Luật GTĐB, Nghị định 34... cho nhân dân, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT. Năm 2011, xử lý 6.471 trường hợp với số tiền gần 3,43 tỷ đồng, tăng 2.245 trường hợp, tăng trên 700 triệu đồng so với năm 2010. 7 tháng đầu năm 2012, đã xử lý 4.016 trường hợp với số tiền gần 1,85 tỷ đồng.

Thiếu tá Nguyễn Cao Huy-Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Lạng Sơn cho biết: thời gian qua, bên cạnh tổ chức truyền thông trực tiếp tại khu dân cư, trường học ...; thông qua TTKS, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn Luật GTĐB, Nghị định 34 để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định về TTATGT. Đặc biệt, để ngăn ngừa, giảm TNGT, lực lượng CSGT đã tăng cường TTKS, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm, người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn... Từ đó, phần nào đã tăng cường hiệu quả răn đe, giáo dục đối với một bộ phận người tham gia giao thông, góp phần giảm TNGT cả 3 tiêu chí.

Để tăng cường hiệu quả răn đe, giáo dục người vi phạm nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, vấn đề đặt ra là cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB cho phù hợp với thực tiễn và tăng sức răn đe. Cùng với đó là tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ TTKS. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT, ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn.

Theo báo Lạng Sơn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)