Đắc Lắc: An toàn giao thông - Nhìn từ sự gia tăng phương tiện giao thông

Thứ năm, 01/11/2012 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bên cạnh sự xuống cấp của kết cấu hạ tầng giao thông thì sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện (nhất là xe môtô, xe gắn máy) là một trong những nguyên nhân làm cho trật tự an toàn giao thông (ATGT) trở nên phức tạp.
Bên cạnh sự xuống cấp của kết cấu hạ tầng giao thông thì sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện (nhất là xe môtô, xe gắn máy) là một trong những nguyên nhân làm cho trật tự an toàn giao thông (ATGT) trở nên phức tạp.

Những năm đầu thập niên 90, trên địa bàn toàn tỉnh Đắc Lắc chỉ có 2.596 ôtô, 23.441 môtô, số lượng máy cày tay, xe thô sơ chưa đáng kể nhưng sau 10 năm, số lượng phương tiện giao thông đã tăng gấp hai, gấp ba lần. Cụ thể, năm 2000 toàn tỉnh có 6.325 xe ôtô (tăng 2,5 lần), 132.178 môtô, xe gắn máy (tăng 4 lần), xe độ chế 17.218 xe (tăng 5.218 chiếc so với năm 1995). Sau khi tách tỉnh (năm 2004), Dak Lak có 259.536 xe các loại (9.467 ôtô và 250.069 môtô, xe gắn máy). Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2012 đã có 63.199 phương tiện giao thông đăng ký mới (2.409 ôtô, 60.790 môtô), trong đó tháng 10 đã có 4.830 phương tiện giao thông đăng ký mới (213 ôtô, 4.617 môtô, xe gắn máy), nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 26.527 ôtô, 822.260 môtô, 46.394 máy cày tay, máy kéo nhỏ.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong vòng 8 năm trở lại đây, số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký mới ở tỉnh ta tăng rất nhanh. Bình quân mỗi năm có trên 80 nghìn phương tiện giao thông cá nhân đăng ký mới và dự báo đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 33 nghìn ôtô, 1 triệu môtô, xe máy và trên 50 nghìn máy cày tay, máy kéo nhỏ. Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng xe đăng ký tại các địa phương mà lực lượng chức năng thống kê được, trên thực tế con số này còn lớn hơn rất nhiều. Thượng tá Nguyễn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết: “Ea Súp là huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bình quân mỗi tháng cũng có từ 50-60 xe môtô đăng ký mới. Riêng tháng vừa qua có trên 100 xe môtô đăng ký (do người dân được mùa vụ trồng sắn). Khi đời sống người dân khá giả thì việc mua sắm những phương tiện giao thông có giá trị nằm trong khả năng của mỗi hộ gia đình. Phương tiện giao thông tăng nhanh dẫn đến mật độ tham gia giao thông cũng tăng theo, trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông thì bị xuống cấp, ít được mở rộng. Cùng với đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định về ATGT của người dân còn kém nên số vụ TNGT xảy ra cũng tăng theo. Nếu như năm 1990, toàn tỉnh chỉ xảy ra 204 vụ TNGT, làm 50 người chết, 122 người bị thương, thì từ đầu năm 2012 đến nay đã xảy ra 461 vụ TNGT, làm 230 người chết, 581 người bị thương. Trong đó, có 5 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 47 người chết, 47 người bị thương (tăng 4 vụ, 44 người chết, 47 người bị thương so với cùng kỳ năm 2011). 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, TNGT do môtô, xe máy gây ra chiếm trên 70% tổng số vụ (khoảng 210 vụ TNGT nghiêm trọng, 500 vụ TNGT ít nghiêm trọng và va chạm giao thông). Ngoài nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển môtô, xe máy không chấp hành quy tắc giao thông gây ra còn có nguyên nhân là bản thân họ không có giấy phép lái xe theo quy định.

Bên cạnh các vụ TNGT tăng nhanh thì số lượng người và phương tiện tham gia giao thông bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cũng tăng dần theo cấp số nhân. Những năm thập kỷ 90, trung bình mỗi năm chỉ có trên 5 nghìn trường hợp vi phạm Luật GTĐB bị phát hiện và xử lý, nhưng những năm gần đây mỗi năm có trên 100 nghìn lượt phương tiện tham gia giao thông bị phát hiện và xử phạt. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2012, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh đã lập biên bản 170.702 trường hợp vi phạm Luật GTĐB; ra quyết định xử phạt 165.306 trường hợp; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 50 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2011, số người vi phạm bị phát hiện, lập biên bản tăng trên 52 nghìn trường hợp, số trường hợp bị xử phạt tăng trên 60 nghìn trường hợp, số tiền phạt tăng gần 20 tỷ đồng. Riêng trong tháng 10-2012, qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 15.294 trường hợp (trong đó có 1.445 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 61 trường hợp điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định); tạm giữ 2.562 phương tiện giao thông các loại, tước giấy phép lái xe có thời hạn 347 trường hợp, cảnh cáo 144 trường hợp; ra quyết định xử phạt 14.542 trường hợp; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 4 tỷ đồng. Rõ ràng, TNGT ngày càng trở nên nghiêm trọng khi mà lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng nhưng ý thức tự giác chấp hành Luật GTĐB của 1 bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Từ thực tế trên cho thấy, muốn hạn chế và giảm thiểu TNGT trước hết phải bắt đầu từ yếu tố con người bởi đa số các vụ TNGT nguyên nhân chính là ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Thiếu tá Ngô Văn Cường, Phó trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: phương tiện giao thông đã tăng nhanh, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, thấy đường vắng, không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì phóng nhanh, vượt đèn đỏ, chuyển hướng sai quy định, uống rượu, bia say vi phạm tốc độ dẫn đến gây tai nạn. Để giải quyết triệt để vấn đề này không thể ngày một ngày hai mà cần phải có chiến lược lâu dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất, mang tính quyết định là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, hình thành văn hóa khi tham gia giao thông cho mọi người. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường, nhất là các khu đô thị, nơi tập trung đông người…

Theo báo Đắc Lắc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)