Bắc Ninh: Tăng thời lượng học ATGT nhưng không tạo thêm áp lực cho học sinh

Thứ năm, 17/01/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 4/1, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề đưa nội dung an toàn giao thông (ATGT) vào chương trình giảng dạy ở các cấp phổ thông.
Ngày 4/1, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về vấn đề đưa nội dung an toàn giao thông (ATGT) vào chương trình giảng dạy ở các cấp phổ thông.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, hiện nay tài liệu giảng dạy ATGT đã được biên soạn và tổ chức giảng dạy cho các bậc học từ mầm non đến đại học. Đối với mầm non, ATGT là một chủ điểm trong chương trình giáo dục, với thời lượng khoảng 1/9 tổng thời gian năm học (3-4 tuần).

Đối với học sinh tiểu học, đưa vào giảng dạy chính khóa thông qua các bài học trong các môn Tự nhiên - Xã hội từ lớp 1 đến lớp 3, lồng ghép vào môn đạo đức ở lớp 4 và lồng ghép vào môn khoa học ở lớp 5. Đối với các trường THCS, dạy 4 tiết chính khóa về trật tự ATGT trong môn Giáo dục công dân. Ở các trường THPT, dạy lồng ghép nội dung ATGT vào các bài học về pháp luật của môn giáo dục công dân. Đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, thời lượng học 4 tiết phổ biến trong “Tuần sinh hoạt công dân-HSSV đầu khóa”.

Công tác giáo dục ATGT trong các cấp học phổ thông thời gian qua được Bộ GD-ĐT quan tâm, triển khai dưới nhiều hình thức và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định như: phần lớn kiến thức về ATGT được đưa vào chương trình ngoại khóa, do vậy việc triển khai thực hiện ở các trường không đồng bộ cả về hình thức, nội dung cũng như hiệu quả giáo dục.

Thời lượng dành cho giáo dục ATGT ở cấp học THCS và THPT quá ít. Nội dung chương trình chủ yếu tập trung vào hành vi của người tham gia giao thông (ở mức độ giới thiệu), chưa cung cấp đủ kiến thức để học sinh có hiểu biết cơ bản về Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông như: quy tắc giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, xử lý tình huống giao thông…

Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thời lượng giáo dục kiến thức ATGT chính khóa hiện nay rất hạn chế, trong khi tài liệu tham khảo thì lại nhiều, không có một bộ tài liệu chuẩn giảng dạy về ATGT. Vì vậy, cần nghiên cứu đưa giáo dục ATGT phù hợp từng cấp học, phải xây dựng một bộ tài liệu chuẩn về giáo dục ATGT cho các cấp học.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Cục, Vụ của Bộ GTVT và Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, việc đưa giáo dục ATGT vào chương trình học của các cấp học là rất đúng. Tuy nhiên, để việc giảng dạy ATGT đạt hiệu quả thì các bộ, ngành liên quan cần có cách thức triển khai cụ thể. Bộ trưởng đề nghị Uỷ ban ATGT Quốc gia, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện 5 năm qua (2007-2012) chương trình giáo dục ATGT đưa vào các cấp học đã đem lại hiệu quả như thế nào, những tồn tại cần khắc phục là gì. Từ đó đưa ra chương trình kế hoạch 5 năm tới (2013-2018) sẽ triển khai như thế nào để có chương trình giảng dạy ATGT thật sự hiệu quả, góp phần giảm tai nạn giao thông một cách bền vững.

Bộ trưởng cũng lưu ý, lộ trình và chương trình giáo dục ATGT cần được xây dựng sao cho không gây thêm áp lực cho học sinh và ngành giáo dục. Bộ trưởng Đinh La Thăng mong Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng một lộ trình giáo dục ATGT thật hiệu quả.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT rà soát lại thời lượng và chương trình học ATGT ở các cấp học và phối hợp với Uỷ ban ATGT Quốc gia và các bộ, ngành liên quan tổng kết đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục ATGT ở các cấp học trong 5 năm qua (2007-2012) và xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo (2013-2018) vào tháng 4/2013.

Theo báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)