Tai nạn giao thông đang là hồi còi báo động đỏ, gây tử vong với số lượng người ngày một gia tăng. Ở nước ta, hằng năm có trên 10.000 người chết do tai nạn giao thông. Đó là chưa tính đến số người bị thương và bị thương nặng, mang thương tật suốt cả cuộc đời
Tai nạn giao thông đang là hồi còi báo động đỏ, gây tử vong với số lượng người ngày một gia tăng. Ở nước ta, hằng năm có trên 10.000 người chết do tai nạn giao thông. Đó là chưa tính đến số người bị thương và bị thương nặng, mang thương tật suốt cả cuộc đời. Có nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, trong đó nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ đang được các ngành, các cấp cảnh báo. Hiện tượng xây dựng nhà cửa, lều quán, vật kiến trúc, biển hiệu, biển quảng cáo... nằm trong hành lang an toàn đường bộ và những vi phạm khác mà các địa phương, cơ sở tốn nhiều công sức để lập lại trật tự. Thế nhưng do ý thức vấn đề kém, do lợi lộc cá nhân, ở nhiều địa phương, tệ vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn diễn ra dưới nhiều hành vi ngày một đa dạng.
Gần đây, từ chính sách đổi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều nơi thực hiện nhưng buông lỏng quản lý để nhiều cá nhân, doanh nghiệp sau khi đấu giá được phần đất đã tự ý, thậm chí ngang nghiên lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây bức xúc trong nhân dân, khiến các ngành hữu trách đau đầu trong xử lý vi phạm.
Mới đây, việc phân lô, đắp đất, san nền đấu nối trực tiếp với quốc lộ, mở đường ngang đấu nối đường khi chưa có giấy tờ của ngành quản lý, sai quy hoạch đấu nối của UBND tỉnh, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng trên tuyến hành lang đường bộ đang diễn ra tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế đã tiến hành các bước cần thiết theo luật định để hạn chế việc lấn chiếm, xâm hại hành lang an toàn đường bộ nhưng gặp một trở ngại lớn là nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm thiếu hợp tác, chính quyền cơ sở chưa có sự phối hợp nhằm giải quyết các hiện tượng vi phạm. Cụ thể, vào đầu tháng 5 tại Km844+250 Quốc lộ 1, phía bên trái tuyến vị trí giáp ranh giữa xã Thủy Phù (Thị xã Hương Thủy) và xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) người ta ngang nhiên mở rộng đường mòn, đấu nối trực tiếp với Quốc lộ 1 để tiện cho việc vận chuyển đất san nền, phân lô để... bán. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì giá đất, giá nhà đang lên cơn sốt.
Việc làm nêu trên của cá nhân hay doanh nghiệp là vi phạm Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm Nghị định số 11/2010/NĐCP ngày 24/2/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ở phía Bắc tỉnh qua địa bàn xã Hương Văn, huyện Hương Trà, hiện tượng lấn chiếm, xây dựng công trình, dịch vụ giải trí cũng vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông tại địa điểm Quốc lộ 1A km 813. Sự việc na ná hiện tượng vi phạm tại tuyến Quốc lộ Km844+250. Có nghĩa là sau khi đấu giá được phần đất cá nhân, doanh nghiệp Thế Hệ Mới đã đổ đất, san nền, lấp luôn cống thoát nước lớn băng qua Quốc lộ 1A. Tại đây, có 2 doanh nghiệp xây dựng vi phạm hành lang an toàn giao thông và vi phạm Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông.
Khi đưa vấn đề này ra, có ý kiến cho rằng, thôi đây là hình ảnh phát triển của thị xã trong tương lai, lách và vận dụng được chút nào hay chút đó. Hỡi ơi, khi nghe chuyện, tôi quá ngạc nhiên, rằng hình ảnh của thị xã trong tương lai phải là hình ảnh chuẩn mực, hình ảnh văn minh, sống và làm việc theo pháp luật chứ sao lại lách luật. Hình ảnh công trình trong tương lai của thị xã phải hoành tráng, phục vụ lợi ích chung. Đằng này chỉ là một điểm karaoke – massage quá đỗi bình thường, khó ngó, nằm ngay trên thửa ruộng của nông dân, nơi cửa ngõ của thị xã tương lai thì quả là điều không hay tí nào!
Việc phân lô, san nền, đấu đất lấy quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng là việc làm có chủ trương, chính sách của cấp trên. Thế nhưng trong thực hiện nhiều nơi triển khai chưa rốt ráo, thiếu kiểm tra sau khi cá nhân, tổ chức được giao đất tiến hành xây dựng công trình, dẫn đến sai phạm gây khó khăn cho ngành khác. Sau khi được giao đất, cá nhân, doanh nghiệp làm sai, vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng không ai hay biết. Đó là vấn đề kiểm tra, quản lý của huyện và xã.
Quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý; bảo vệ, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế Chương II, điều 7 mục 1 và 2 ghi rõ: Thành lập Tổ công tác 1856 cấp huyện, thành phố triển khai thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt trên địa bàn huyện, thành phố (gọi tắt là tổ công tác 1856 cấp huyện, thành phố). Thành lập tổ cưỡng chế cấp huyện, thành phố để tổ chức cưỡng chế đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm, vi phạm theo từng mốc thời gian trong phạm vi giải tỏa hành lang an toàn đường bộ theo Quyết định 1856/QĐ-TTg mà không chấp hành tháo dỡ, di chuyển các công trình vi phạm. Nghị định của Chính phủ, Quyết định của UBND tỉnh ban hành với những nội dung rất rõ. Thế nhưng trong thực tế người vi phạm vẫn không bị cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Từ những sự việc trái tai gai mắt diễn ra hằng ngày trước “tai mắt” người dân; thế rồi “để lâu chuyện hóa bùn, huyện thì chưa rõ, xã thì chưa hay”, chỉ còn là chuyện mạn đàm tếu táo, mất niềm tin trong nhân dân.
TRONGPV (Theo Thừa Thiên Huế Online)