Do địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông, suối lớn nhỏ, mặt khác, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, hệ thống hành lang giao thông cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên dễ xảy ra tình trạng sạt lở, ách tắc, mất an toàn giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, các đơn vị trực thuộc ngành giao thông - vận tải của tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp tích cực.
Do địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông, suối lớn nhỏ, mặt khác, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, hệ thống hành lang giao thông cũng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên dễ xảy ra tình trạng sạt lở, ách tắc, mất an toàn giao thông, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra, các đơn vị trực thuộc ngành giao thông - vận tải của tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp tích cực.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 5 tuyến quốc lộ chạy qua với chiều dài gần 390 km, các tuyến đường này hầu hết là đường cấp IV, cấp V miền núi, một số đoạn đi qua địa bàn thành phố, thị trấn là đường cấp III. Đa số các tuyến quốc lộ được đầu tư nâng cấp từ những năm 2000 - 2003, do sự tàn phá của mưa lũ, quỹ bảo trì đường bộ còn hạn hẹp, lưu lượng các phương tiện vận tải có trọng tải lớn ngày càng tăng, nên nhiều tuyến bị xuống cấp, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 4E. Cùng với các tuyến quốc lộ, toàn tỉnh còn có 10 tuyến tỉnh lộ (chiều dài 491km); 773,6 km đường huyện, xã, đường đô thị, trong đó 40% đường tới trung tâm xã là mặt đường cấp phối, trên 2.000 km đường thôn, bản là đường đất, độ dốc lớn, vào mùa mưa dễ xảy ra sạt lở.
Với phương châm 4 tại chỗ, ngành giao thông - vận tải đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư như: Thuốc nổ, đá hộc, rọ thép, dầu diezen… Ngành cũng giao cho các đơn vị trực thuộc có kế hoạch cụ thể đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ. Theo đó, Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) đã tăng cường kiểm tra các tuyến đường, vị trí xung yếu, kiến nghị cụ thể với Sở GTVT có biện pháp xử lý, khắc phục. Cùng với đó, một tổ công tác được thành lập có nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận và xử lý tình huống nảy sinh; tiến hành rà soát hệ thống cọc tiêu, biển báo, các công trình phụ trợ.
Cùng với việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ mùa mưa lũ cũng được quan tâm. Hiện tại, toàn tỉnh có 150 km đường thủy trên sông Hồng, sông Chảy, ngoài ra còn có 60 km sông biên giới, nhiều sông, suối nhỏ… Theo đánh giá của ngành chức năng, việc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ vẫn nhiều tồn tại, đặc biệt khi vào mùa mưa lũ. Một số vị trí luồng lạch trên 2 tuyến sông chính đã bị thay đổi dòng chảy do quá trình khai thác vàng, khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng tới môi trường và mất an toàn đối với các phương tiện tham gia giao thông đường thuỷ. Qua việc tổ chức các đợt kiểm tra, ngành giao thông - vận tải đã phổ biến Luật Giao thông đường thuỷ, hướng dẫn các chủ phương tiện chấp hành nghiêm chỉnh khi tham gia giao thông, nhất là đối với các phương tiện chở khách ngang sông và chở khách dọc sông; đồng thời cấp phát áo phao cho các chủ thuyền chở khách tại hồ thuỷ điện Cốc Ly (Bắc Hà). Tuyến đường thuỷ thuộc các khu vực như: Quang Kim, Bản Vược (Bát Xát), Bản Quẩn (Bảo Thắng) đã tiến hành kiểm tra, rà soát các phương tiện đang hoạt động, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, cấp phát tài liệu, tờ rơi cho người tham gia giao thông đường thuỷ…
Theo báo Lào Cai