Tuyên Quang: Tăng cường ý thức của người tham gia giao thông
Thứ hai, 20/06/2011 00:00
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Song bên cạnh đó, theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải - Cơ quan thường trực Ban ATGT tỉnh, tình hình TTATGT có nơi, có lúc vẫn có những diễn biến phức tạp, dẫn đến số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tăng. Từ năm 2007 - 2010, toàn tỉnh xảy ra 321 vụ tai nạn giao thông, làm chết 267 người, bị thương 292 người. Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông trước hết và chủ yếu vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông kém.
Cụ thể là số liệu xử lý vi phạm hành chính về TTATGT hàng năm đều tăng. Năm 2008, xử lý hơn 40.000 trường hợp, tăng 39% so với năm 2007; năm 2009 xử lý hơn 46.000 trường hợp, tăng 16% so với năm 2008; năm 2010 xử lý hơn 57.000 trường hợp, tăng 23% so với năm 2009. Các lỗi vi phạm chủ yếu do chạy quá tốc độ quy định, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn cho phép, lạng lách, đánh võng...
Thêm vào đó là sự gia tăng nhanh chóng về phương tiện cơ giới đường bộ qua các năm. Nếu năm 2007 chỉ có hơn 157.000 phương tiện thì năm 2010 đã lên đến hơn 232.000 phương tiện, tăng 75.000 phương tiện. Bình quân tăng 11%/năm. Trong khi đó hệ thống cầu đường còn bất cập về quy mô, tải trọng nhưng do nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại cũng như sự gia tăng về các loại phương tiện.
Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông do hệ thống đường xuống cấp, đường nhiều khúc cua cong, các nút giao cắt chưa hợp lý, biển báo hiệu đường bộ hư hỏng... Theo đó, từ năm 2007 đến nay, các đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa 151 biển báo hiệu đường bộ, bổ sung 133 biển cảnh báo nguy hiểm trên tuyến Quốc lộ 37 và Quốc lộ 2C, thay thế 128 biển báo hiệu đường bộ, xử lý 11 điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, Sơn Dương, Chiêm Hóa.
Việc kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, coi đó là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài.
Trungna (theo baotuyenquang)
Anh Trung