Bình Thuận: Đò ngang không phao vẫn tấp nập hoạt động
Toàn tỉnh hiện có 4 bến đò ngang, nhưng chỉ có duy nhất 1 bến có đủ pháp lý hoạt động. Còn lại 3 bến không phao cứu sinh, không đăng kiểm, không giấy phép kinh doanh… nhưng vẫn ì xèo đưa rước khách.
Toàn tỉnh hiện có 4 bến đò ngang, nhưng chỉ có duy nhất 1 bến có đủ pháp lý hoạt động. Còn lại 3 bến không phao cứu sinh, không đăng kiểm, không giấy phép kinh doanh… nhưng vẫn ì xèo đưa rước khách.
Đã vào chính vụ hè thu, đồng nghĩa với việc hàng ngày người dân ra đồng, lên rẫy rất đông. Thời điểm này nông dân Bắc Bình, Tánh Linh đi đò qua sông để tới ruộng, rẫy chăm sóc cây trồng nhiều hơn. Ở các bến đò Bình Liêm, Phan Rí Thành và Bình Hiếu, Phan Hiệp (Bắc Bình), bến phà thôn 8, xã Gia An ( Tánh Linh) mỗi ngày có cả trăm lượt nông dân qua sông trên con đò ngang và phà … không phao. Tính mạng của họ được giao cho người đưa đò… bởi lái đò chưa bao giờ được tập huấn căn bản về lái đò, phà. Đó là chưa kể khi có sự cố xảy ra, tiền bảo hiểm tính mạng của họ cũng là con số 0 tròn trĩnh, vì chẳng chiếc phà, đò ngang nào đủ pháp lý để mua bảo hiểm cho hành khách đi đò.
Mùa mưa lũ đã đến, nước ở các con sông dâng cao, chảy rất xiết. Thế nhưng ở những bến đò ngang không phao này hoạt động còn tấp nập hơn cả mùa nắng. Toàn tỉnh hiện có 4 bến đò ngang và phà ở các xã Phan Hiệp, Phan Rí Thành (Bắc Bình), Gia An (Tánh Linh) và Đức Tín (Đức Linh). Tuy nhiên, trong 4 bến phà, đò ngang ấy, chỉ có duy nhất bến đò ở xã Đức Tín là có đủ các giấy tờ pháp lý để hoạt động. Còn lại 3 bến không phao cứu sinh, không đăng kiểm phương tiện hoạt động, người đưa đò không chứng chỉ chuyên môn lái tàu thủy và không giấy phép hoạt động… Đại úy Tống Ngọc Bình, phụ trách đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm 2011 đến nay lực lượng cảnh sát đường thủy đã tăng cường kiểm tra các phương tiện lưu thông đường thủy. Qua kiểm tra 26 phương tiện, lập biên bản vi phạm hành chính 12 trường hợp (ra quyết định xử phạt 11 trường hợp với số tiền 6,6 triệu đồng), nhắc nhở 14 trường hợp. Riêng trong đợt thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp hè từ ngày 25/4 - 30/6/2011, lực lượng cảnh sát đường thủy nội địa đã lập biên bản 4 trường hợp vi phạm, xử phạt 3 trường hợp với số tiền 2,3 triệu đồng…
Các đợt kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) cho thấy, các bến đò không đăng ký kinh doanh, không phao cứu sinh nhưng hàng ngày vẫn đưa đón hàng trăm lượt người qua sông. Đặc biệt, khi các vụ chìm đò không phao cứu sinh làm nhiều người chết ở Quảng Ninh, Bình Dương thì ngày 5/6/ 2011 lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy nội địa phát hiện “du thuyền Hội ngộ” biển số BTH 88510 - TS, là loại tàu đánh cá tự hoán cải thành tàu vận chuyển hành khách phục vụ khách du lịch trên tuyến sông Cà Ty, do ông Phạm Văn Phong ở phường Hưng Long làm chủ. Qua kiểm tra, “du thuyền Hội ngộ” không có các giấy tờ pháp lý để hoạt động nên đã đình chỉ hoạt động.
Theo Đại úy Bình, các bến đò không phao đang hoạt động rất nguy hiểm cho tính mạng người dân, nhất là đang vào mùa mưa lũ. Vì vậy các địa phương cần phải quản lý chặt, trước mắt nên đầu tư phao cứu sinh để giúp người dân an toàn hơn khi qua sông.
VTTH-Theo Báo Bình Thuận
Vũ thúy Hoa