Trước thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông tăng đột biến trong quý I/2011, Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh đã lên một chương trình công tác ATGT từ nay đến cuối năm. Trong đó, lên kế hoạch sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Trước thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông tăng đột biến trong quý I/2011, Ban ATGT thành phố Hồ Chí Minh đã lên một chương trình công tác ATGT từ nay đến cuối năm. Trong đó, lên kế hoạch sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Trong quý I/ 2011, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 257 vụ TNGT, làm chết 219 người và bị thương 165 người. So với cùng kỳ năm 2010, tăng 33 vụ, tăng 43 người chết và tăng 77 người bị thương. Tính riêng trong tháng 3/2011, đã xảy ra 83 vụ TNGT, làm chết 72 người và bị thương 69 người. Cũng trong quý I, trên địa bàn TP đã xảy ra 14 vụ UTGT kéo dài trên 30 phút.
Hết tháng 4 là tháng đầu tiên của quý II, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sau 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, số vụ TNGT và ùn tắc giao thông tăng lên nhiều so với ngày thường.
Những thực tế diễn ra trong quý I và tháng đầu tiên của quý II/2011 khiến các cơ quan chức năng TP.HCM không khỏi lo ngại. Trong khi mục tiêu của TP đề ra trong năm 2011 là kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, trong đó phấn đấu kéo giảm 5% số người chết do TNGT.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, trong chương trình công tác ATGT năm 2011 Ban đã đề ra các nhiệm vụ khá rõ ràng. Trong đó kết hợp nhiều hình thức thực hiện phong phú nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành tốt pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông.
Điểm nhấn trong chương trình là phong trào xây dựng “Văn hóa giao thông” và “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ”. Tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến sâu rộng và có hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân TP, trọng tâm là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành tốt pháp luật về trật tự ATGT.
Nội dung của công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT là sẽ tập trung vào tuyên truyền quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới đường bộ; ATGT đò ngang và quy tắc giao thông đường thủy nội địa; ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và tại các đường ngang; quy tắc giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên; tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải lẫn người thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT...
Về phương pháp tuyên truyền, sẽ có một số hình thức mới như thực hiện DVD tình huống trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; điều tra xã hội học về hiệu quả tác động của việc áp dụng xử phạt thí điểm theo Nghị định 34 của Chính phủ... để có sự điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông như: tụ tập đua xe trái phép, chạy lấn tuyến, lưu thông vào đường cấm, vi phạm quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện..
Trước mắt là tiếp tục kiện toàn Ban ATGT TP theo Quyết định 91/2011 của UBND TP nhằm phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa các sở - ngành – đoàn thể trong công tác đảm bảo TTATGT.
Thangnd (theo giaothongvantai)