Tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam vừa diễn ra chung kết cụm 3, Hội thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ)” đã thu hút đông đảo người dân đến tham gia cổ vũ. Thành viên các đội và khán giả đã tạo nên một không khí sôi nổi, hào hứng và quan trọng hơn cả là qua các phần thi, khán giả và các đội đều được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thêm hiểu biết về chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ.
Tại Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Nam vừa diễn ra chung kết cụm 3, Hội thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ)” đã thu hút đông đảo người dân đến tham gia cổ vũ. Thành viên các đội và khán giả đã tạo nên một không khí sôi nổi, hào hứng và quan trọng hơn cả là qua các phần thi, khán giả và các đội đều được trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, thêm hiểu biết về chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ.
Hội thi cụm 3 tổ chức tại Hà Nam gồm 05 đội thi thuộc các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ gồm: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An và Hòa Bình. Các đội lần lượt trải qua 3 phần thi: “Chào hỏi”, “Hiểu biết pháp luật” và “Xử lý tình huống”. Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội: “Hội thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa với đối tượng là các thành viên của các mô hình quần chúng tham gia bảo đảm trật tự ATGT, phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội trên ĐTNĐ tại từng địa phương nên sẽ góp phần nhân rộng và nâng cao hơn nữa phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên ĐTNĐ, góp phần đặc biệt quan trọng bảo đảm hoạt động giao thông ĐTNĐ được an toàn, thuận lợi và phát triển bền vững trong tình hình mới”.
Sôi động và mang bản sắc vùng miền là phần thi “Chào hỏi”, bởi ngoài việc giới thiệu còn nêu bật được yếu tố sông nước và tiềm năng giao thông thủy, phát triển thủy sản tại từng địa phương. Các đội đã khéo léo sử dụng loại hình văn hóa nghệ thuật của địa phương để chuyển tải nội dung. Đội thi đến từ Nghệ An sử dụng các làn điệu dân ca, Đội Hòa Bình với hình ảnh chàng trai, thiếu nữ Mường với chiêng, trống…. Phần “Chào hỏi” của đội thi đến từ làng chài Hưng Lam (đại diện cho đội Nghệ An) đã xây dựng câu chuyện một thanh niên tên là Nghệ, chỉ vì thiếu hiểu biết và bất cẩn suýt chút nữa làm 30 em học sinh đi đò thiệt mạng (chở đò quá người và không có phao cứu sinh). Khi được tổ tự quản làng chài nhắc nhở, anh Nghệ đã nhận ra vi phạm của mình. Anh còn được đội tự quản kết nạp vào đội, trở thành thành viên tuyên truyền tích cực. Một cụ già đã nói với Nghệ: “Làng chài quê mình được gọi là làng chài bình yên nhưng không có nghĩa là không có rủi ro. Cháu phải cẩn thận với tính mạng của mình và những người khác nữa. Chỉ một sơ xẩy là phải trả giá bằng cả tính mạng, giống như vụ đắm đò ở Chôm Lôm ngày nào”.
Trong phần thi “Hiểu biết pháp luật”, dưới hình thức trắc nghiệm, nội dung xoay quanh các điều kiện, tiêu chuẩn của thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy, việc vận chuyển hàng hóa trên phương tiện thủy… đã không có nhiều bất ngờ khi tất cả các đội đều đạt điểm tối đa trả lời chính xác tất cả các câu hỏi. Riêng phần thi “Xử lý tình huống” được quan tâm nhất, bởi thể hiện được trình độ kiến thức của các đội. Yếu tố cạnh tranh được thể hiện rất rõ khi đội được quyền trả lời liên tục bị những đội khác “bắt giò” hoặc bổ sung những yếu tố còn thiếu. Kết quả là không chỉ các thành viên khác trong các đội mà cả hàng ngàn khán giả cũng thêm một lần được biết đến các quy định đảm bảo ATGT đường thủy. Các tình huống được đưa ra đều gần gũi với sinh hoạt sông nước hàng ngày như: phát hiện người điều khiển phương tiện thủy dùng kích điện đánh bắt cá thì đội tự quản sẽ làm gì? Hoặc khi phát hiện một số đối tượng tổ chức đua phương tiện thủy thì sẽ báo cho ai… Các đội thi đã thể hiện sự hiểu biết pháp luật và đều được ban giám khảo đánh giá cao, chênh lệnh không nhiều. Anh Trần Hữu Nghĩa (30 tuổi), đến từ làng chài Xuân Ninh, Xuân Trường, Nam Định cho biết: Đến với hội thi, 16 thành viên trong đội đã mất gần 1 tháng tập văn nghệ và tìm hiểu luật. Mọi người đều là thành viên tự quản làng chài, người già nhất là bác Hoàng (60 tuổi). Qua hội thi đã biết thêm được nhiều quy định đảm bảo ATGT khi hoạt động trên sông nước.
Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an), Phó Trưởng ban tổ chức cho biết: “Các câu hỏi trắc nghiệm và xử lý tình huống đã được các thí sinh giải đáp chính xác, có liên hệ thực tế, diễn đạt gãy gọn, có sức cuốn hút thuyết phục người nghe. Những kiến thức về luật giao thông ĐTNĐ vốn khô khan đã được các đội thi “sân khấu hóa” qua những tiểu phẩm, bằng lời ca tiếng hát, đã trở nên sinh động, gần gũi với thực tế hoạt động giao thông đường thủy ở địa phương, làm nổi bật nội dung tuyên truyền, lôi cuốn người xem. Điều này có tác động tuyên truyền mạnh mẽ góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm đảm bảo trật tự ATGT đường thủy và đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động trên đường thủy của quần chúng nhân dân, lực lượng chức năng, các ban, ngành đoàn thể”./.
Báo Hà Nam