Sau 3 năm (2008-2010) triển khai thực hiện Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của HĐND tỉnh về đảm bảo trật tự ATGT, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu từ năm 2008 trở đi toàn tỉnh phấn đấu thực hiện giảm 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với số tai nạn giao thông bình quân trong 5 năm 2002-2006 theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng những kết quả đạt được đã thể hiện rõ nét quyết tâm của chính quyền và sự tự giác của người dân.
Sau 3 năm (2008-2010) triển khai thực hiện Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của HĐND tỉnh về đảm bảo trật tự ATGT, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù chưa đạt được mục tiêu từ năm 2008 trở đi toàn tỉnh phấn đấu thực hiện giảm 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với số tai nạn giao thông bình quân trong 5 năm 2002-2006 theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng những kết quả đạt được đã thể hiện rõ nét quyết tâm của chính quyền và sự tự giác của người dân.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trước khi Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết 118/2007 của HĐND tỉnh được ban hành, Phú Thọ là một trong những địa phương có tỷ lệ người chết do TNGT cao trong cả nước. Nhưng sau 3 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ và Nghị quyết 118/2007 của HĐND tỉnh, TNGT trên địa bàn tỉnh đã từng bước được kiềm chế, số vụ TNGT giảm dần sau mỗi năm.
Nếu như năm 2008 toàn tỉnh xảy ra 108 vụ TNGT (giảm 17,6% so với năm 2007), làm chết 112 người (giảm 14,6%), làm bị thương 56 người; năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 100 vụ TNGT, làm chết 117 người, bị thương 87 người, thì 9 tháng đầu năm 2010 kết quả trên đã có chuyển biến tích cực khi toàn tỉnh giảm được 9 vụ TNGT (11%), giảm 10 người chết (12%) và 5 người bị thương (10%). Trong tổng số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh có 75% số vụ TNGT xảy ra đối với người địa phương, số còn lại là TNGT xảy ra đối với người của các địa phương khác đi qua địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là số vụ TNGT được kiềm chế trong khi số phương tiện giao thông đăng ký mới của năm sau tăng nhanh so với năm trước. Đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 14.381 ô tô và 289.910 mô tô, đến năm 2009 tổng số phương tiện ô tô đã tăng lên 17.215 và 392.406 mô tô. Và tính thời điểm này toàn tỉnh hiện có 20.648 ô tô và 431.734 mô tô. Như vậy, trung bình cứ mỗi tháng có thêm gần 2.000 phương tiện được đưa vào sử dụng.
Để có được những kết quả trên là do đã có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT. Ngay sau khi Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết 118/2007/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của HĐND tỉnh được ban hành, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 32, triển khai thực hiện Nghị quyết 118, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và chính quyền các cấp phải thường xuyên phổ biến, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho cán bộ, CNVC và nhân dân trong đơn vị, địa phương mình phụ trách để mỗi người nắm bắt được pháp luật về ATGT. Đồng thời, đưa nội dung này vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm cũng như bình xét gia đình văn hóa ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB... cũng đã ký văn bản cam kết đến từng hội viên, đoàn viên, với nội dung không để xảy ra trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra, lực lượng CSGT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp xảy ra TNGT như: Đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người qui định, điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều, lấn đường, xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải, xe khách chạy không đúng tuyến, chạy vòng vo, đón trả khách tùy tiện trên đường...
Trong hai năm (2008- 2009) và 9 tháng đầu năm 2010, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kểm tra, xử lý 244.342 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; trong đó: 53.775 trường hợp không đội mũ bảo hiểm (chiếm 22%); 46.593 trường hợp vi phạm tốc độ (chiếm 19,4%); 20.640 trường hợp vi phạm an toàn kỹ thuật; 5.335 trường hợp xe khách vi phạm; 17.098 trường hợp xe tải vi phạm. Tạm giữ: 1.511 ô tô, 31.665 xe mô tô, 42.986 giấy tờ xe các loại, tước giấy phép lái xe: 4.959 trường hợp... Tổng thu từ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự ATGT trong toàn tỉnh hai năm (2008-2009) và 9 tháng đầu năm 2010 là trên 75 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác củng cố cơ sở hạ tầng, biển báo hiệu và quản lý hành lang ATGT đường bộ, đường sắt được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Theo chức năng, nhiệm vụ, các địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giải toả, cưỡng chế các điểm vi phạm hành lang ATGT như: Các điểm kinh doanh, tập kết nguyên vật liệu, chợ xanh, chợ cóc, tường rào, cây xanh lấn chiếm hành lang ATGT... Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát các điểm đen và các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và lập văn bản báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý; đồng thời tiến hành khắc phục những vị trí che khuất tầm nhìn giao thông trên quốc lộ 32A, 32B. Triển khai lắp đặt cụm đèn tín hiệu chỉ huy giao thông ở các nút giao thông trên địa bàn thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ. Tiến hành khảo sát xác định các vị trí cắm biển dừng xe đón trả khách trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý kiểm định phương tiện có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Từ năm 2008 đến nay đã tiến hành kiểm định cho trên 15.500 phương tiện. Trong đó tổng số phương tiện đạt tiêu chuẩn chiếm trên 84%; số phương tiện không đạt chuẩn được yêu cầu chỉnh sửa, xử lý nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Đặc biệt, công tác quản lý sát hạch cấp GPLX và đăng ký phương tiện vận tải đường bộ được tăng cường. Các cơ sở đào tạo lái xe đã từng bước được nâng cấp, cơ sở vật chất được cải thiện, chất lượng dạy và học được nâng lên, đội ngũ giáo viên và sát hạch viên được đào tạo, tập huấn theo qui trình của Bộ Giao thông vận tải qui định.
Bên cạnh sự quyết liệt của chính quyền, một chuyển biến rõ nhất trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau 3 năm Nghị quyết 32 và Nghị quyết 118 đi vào cuộc sống đó chính là ý thức tự giác chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ của người dân đã được nâng lên đáng kể. Biểu hiện cụ thể nhất là đại bộ phận người dân đã xây dựng được thói quen tự giác chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Qua công tác kiểm tra thực tế của lực lượng cảnh sát giao thông, tỷ lệ này ở các tuyến quốc lộ trong đô thị đạt đến 97%, ở khu vực nông thôn đạt trên 95%. Tỷ lệ này đã mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa chấn thương sọ não dẫn đến tử vong do TNGT; giảm số người thương vong do TNGT trên địa bàn và bước đầu xây dựng cơ sở, nền nếp “văn hóa giao thông” trong hình hình mới. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông mang tính xã hội cao, ngoài sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội còn cần có sự hợp tác, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người khi tham gia giao thông, thì đây mới là cơ sở vững chắc, bảo đảm kiềm chế và giảm TNGT một các bền vững.
Báo Phú Thọ