Hiện nay, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ của học sinh, sinh viên đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em.
Hiện nay, tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ của học sinh, sinh viên đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đã có không ít tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra và chuyện vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên không còn là chuyện về ý thức, đạo đức của riêng các em.
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều có công văn gởi các trường Trung học phổ thông nghiêm cấm học sinh đi học bằng xe máy phân khối lớn khi chưa có giấy phép lái xe, tuy nhiên tình trạng trên vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác ở nhiều trường học trong tỉnh, nhất là các trường ở thành phố Pleiku. Một số hộ dân xung quanh trường học trở thành kẻ tiếp tay cho hành vi sai phạm, bởi lẽ sau khi nhà trường nghiêm cấm việc học sinh đi xe máy không đúng quy định đến trường thì các điểm trông giữ xe của các hộ dân ở khu vực gần trường học đã mọc lên và gây ra không ít khó khăn cho nhà trường trong việc thực hiện quy định nghiêm cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường. Ngoài ra vẫn còn một số học sinh điều khiển mô tô, xe máy không chấp hành nghiêm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, lại còn chở 3, chở 4, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường và đã có trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Hiện có khá nhiều trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông có số phương tiện tham gia giao thông đông đúc, do vậy luôn tiềm ẩn cao nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là một trong những vấn đề cần được quan tâm và chú trọng đúng mức. Bởi thời điểm khi tan trường, học sinh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp , xe máy dàn hàng ba, hàng bốn, không những gây ách tắc giao thông mà còn là nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao khi gặp phải xe ô tô trục trặc kỹ thuật, mất thắng như trường hợp cách đây vài tháng một xe lu mất thắng đã tông vào giải phân cách trên đoạn đường từ ngã tư Hùng Vương- Cù Chính Lan đến trước Nhà sách Thanh niên trên đường Hùng Vương mới dừng lại được. Đó là chưa kể một số phụ huynh đi đón con cũng đậu, đỗ xe dưới lòng đường, làm cho đoạn đường giờ cao điểm tan học càng đông đúc hơn và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Trật tự an toàn giao thông vào giờ tan học luôn là nỗi lo của các bậc cha mẹ, học sinh, lẫn chính quyền địa phương, dù Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh báo cáo 100% học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên ký cam kết không vi phạm giao thông, 99% đoàn trường trong tỉnh tổ chức đội thanh niên xung kích “Vì mái trường an toàn giao thông”, 100% đoạn đường thanh niên tự quản…
Bên cạnh đó, một số học sinh còn tự ý thay đổi màu sắc, nhãn mác, lắp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn trang trí mô tô sai quy định, lắp còi sai âm lượng, tụ tập thành nhóm đi tốc độ cao, đùa nghịch trên phố... Trước hiện tượng trên, Ban an toàn giao thông tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các trường học đã chỉ đạo quyết liệt về việc cấm học sinh phổ thông đi xe máy đến trường. Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên tỏ ra không hiệu quả. Sự thiếu ý thức của các em, trước hết có phần lỗi của các bậc phụ huynh khi cho con em mình sử dụng xe máy phân khối lớn đến trường, không quan tâm tới việc dạy dỗ con cái, không giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Việc giáo dục ý thức công dân và giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng không thực sự được quan tâm như trước. Các chế tài áp dụng đối hành vi vi phạm của các em được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe; việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.
Thiết nghĩ, muốn chấn chỉnh giao thông học đường, cần có sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Vấn đề này phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Nhà trường cần coi trọng công tác giáo dục ý thức công dân, ý thức chấp hành pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Đa dạng hoá các sinh hoạt ngoại khoá của học sinh, sinh viên, trong đó có các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông. Coi ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên...Về phía gia đình, các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật của con cái, không mua xe mô tô cho con hoặc không cho phép con đi xe mô tô đến trường khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Qua thống kê đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại các cổng trường học . Do vậy, khi đưa học sinh đến trường các bậc phụ huynh nên đưa con đến tận cổng trường học, khi đón con không nên đậu đỗ xe dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông. Đối với các trường học cần chú trọng hơn công tác đảm bảo an toàn giao thông nơi cổng trường, chủ động phòng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với học sinh, nhất là học sinh bậc tiểu học.
Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung xử phạt hành vi điều động hoặc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Cần phải có chế tài để buộc các bậc phụ huynh có trách nhiệm hơn đối với các em. Thông báo các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm tới nhà trường nơi đang học tập hoặc địa phương nơi đang cư trú.
Theo số liệu thống kê từ Ban ATGT tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 190 vụ tai nạn giao thông làm 204 người chết, 176 người bị thương; Trong đó có 164 vụ liên quan đến mô tô làm chết 166 người, làm bị thương 137 người, 72 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn, Chiếm đa số các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đang có xu hướng gia tăng , trong đó có một lượng không nhỏ do người điều khiển phương tiện phóng nhanh vượt ẩu và không hiểu biết Luật Giao thông. Trong đó, học sinh đi học bằng xe phân khối lớn chính là một trong những nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để đảm bảo an toàn giao thông học đường , nếu chỉ có sự quản lý và giáo dục của nhà trường thì chưa đủ, rất cần có sự “chung tay” của gia đình và xã hội, trong đó ý thức chấp hành pháp luật của từng học sinh là điều hết sức quan trọng.
Sở TTTT Gia Lai