Lạng Sơn: Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Cần đẩy nhanh tiến độ

Thứ hai, 07/03/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tính đến hết năm 2010, Lạng Sơn cơ bản hoàn thành giai đoạn II thực hiện Quyết định 1856 ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại trật tự hành lang an toàn (HLAT) đường bộ, đường sắt. Song tiến độ của tỉnh còn chậm so với yêu cầu chung của cả nước.

Lạng Sơn có 7 tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn với tổng chiều dài 554km, trong đó, Sở Giao thông Vận tải được giao quản lý và bảo trì 5 đoạn tuyến (1B, 4A, 4B, 31 và 279) với tổng chiều dài 397,3km, Khu Quản lý đường bộ II quản lý 2 đoạn tuyến với chiều dài 169,7km. Về đường sắt, Lạng Sơn có tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng qua địa bàn với chiều dài 92,75km và tuyến nhánh Mai Pha-Na Dương với chiều dài 30,4km. Do điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội nên thời gian qua, tình trạng sử dụng, lấn chiếm trái phép HLAT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp.
   
Thực hiện Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2008 đến nay, Lạng Sơn đã duy trì và kiện toàn 1 tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, 11 tổ công tác liên ngành, 11 tổ cưỡng chế cấp huyện, 1 tổ công tác tại Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông để triển khai công tác lập lại trật tự HLAT đường bộ, đường sắt. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, HLAT đường bộ, đường sắt, kế hoạch thực hiện Quyết định 1856... với nhiều hình thức: trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các cuộc họp khu dân cư, sinh hoạt của các đoàn thể nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức và nhân dân trong việc bảo vệ hành lang giao thông, công trình giao thông.
   
Theo Quyết định 1856, giai đoạn II lập lại trật tự HLAT thực hiện từ quý III/2008 đến hết năm 2010. Kết thúc giai đoạn, Lạng Sơn đã thực hiện xong việc cắm mốc giải phóng mặt bằng phạm vi 5m với 2.405 cọc mốc; thực hiện xong việc lập bình đồ duỗi thẳng, rà soát, thống kê, phân loại đất đai, nhà ở, công trình xây dựng trong HLAT đường bộ của tất cả các quốc lộ qua địa bàn (phạm vi 5m). Trên các quốc lộ 1B, 4A, 4B, 31 và 279, đã thống kê 7.072 hộ dân có đất đai, công trình trong phạm vi cần giải tỏa. Tại các quốc lộ này, các huyện, thành phố đã phối hợp với các ngành của tỉnh, cơ quan quản lý đường bộ xây dựng kế hoạch và thực hiện vận động, cưỡng chế giải tỏa bước 1 trong phạm vi 5m. Còn trên quốc lộ 1A, 3B, các huyện đã phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ vận động và cưỡng chế giải tỏa theo kế hoạch của Khu Quản lý đường bộ II. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải thì đến cuối năm 2010, mới có một số huyện hoàn thành việc giải tỏa HLAT đường bộ, số còn lại hiện đang được đôn đốc để hoàn thành giải tỏa trước ngày 25/3/2011. Hết năm 2010; công tác giải ngân thực hiện đạt 76,44% kế hoạch. Đối với đường sắt, đến nay, việc thực hiện Quyết định 1856 mới hoàn thành khâu hồ sơ: thực hiện xong việc thỏa thuận với Tổng cục Đường sắt về phương án tổng thể lập lại trật tự HLAT đường sắt trên địa bàn tỉnh; việc phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình đường sắt, phạm vi an toàn đường sắt tại Lạng Sơn. Như vậy so với yêu cầu chung của cả nước thì tiến độ thực hiện Quyết định 1856 ở Lạng Sơn còn chậm. Nguyên nhân chính được chỉ ra ở đây là một số địa phương nơi có các tuyến đường bộ, đường sắt chạy qua thiếu chủ động, thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện.
   
Công tác lập lại trật tự HLAT đường bộ, đường sắt đang bước vào giai đoạn III. Theo đó, từ 2010 đến hết năm 2020 phải hoàn thành đền bù, giải tỏa xong HLAT đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ; hoàn thành cắm đầy đủ mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ bàn giao cho địa phương quản lý. Thực tế triển khai Quyết định 1856 thời gian qua cho thấy việc quản lý, lập lại trật tự HLAT đường bộ, đường sắt trên địa bàn Lạng Sơn là rất khó khăn, phức tạp liên quan đến trách nhiệm của các cấp chính quyền nơi có đường bộ, đường sắt đi qua. Vì vậy để hoàn thành các nhiệm vụ lập lại trật tự HLAT đường sắt, đường bộ theo đúng kế hoạch thì cùng với sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, rất cần sự phối hợp, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các huyện, thành phố.

 

Theo baolangson


Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)