Yên Bái: Nỗ lực kiềm chế tai nạn giao thông

Thứ hai, 08/02/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Những con số đau lòng về số vụ, số người chết trong năm 2009 của tỉnh Yên Bái đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ: 79 vụ tai nạn giao thông làm 85 người chết, 55 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản hơn một tỷ hai trăm triệu đồng.

 Những con số đau lòng về số vụ, số người chết trong năm 2009 của tỉnh Yên Bái đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ: 79 vụ tai nạn giao thông làm 85 người chết, 55 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản hơn một tỷ hai trăm triệu đồng.

Lỗi vi phạm chủ yếu thuộc về ý thức của người tham gia giao thông kém; tâm lý của một bộ phận người dân khi đang đi đường đất nay ra đường nhựa bằng phẳng đã không làm chủ được tốc độ, tay ga thoải mái nên khi gặp chướng ngại vật không xử lý kịp, gây tai nạn; tình trạng "gặp nhau lần nào cũng cạch" của đồng bào miền núi diễn ra bất kể sớm tối, khi tham gia giao thông trong tình cảnh người đầy men rượu là chuyện thường ngày ở nơi này.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái, nhằm kiềm chế tai nạn giao thông cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt cả trong tuyên truyền nâng cao nhận thức và xử phạt các lỗi vi phạm khi tham gia giao thông. Tiến hành tám cuộc thanh tra giao thông ở 12 đơn vị như quản lý đường bộ, đào tạo và cấp phép lái xe, quản lý và vận tải hành khách, xây dựng cơ bản..., lực lượng thanh tra giao thông tỉnh đã đình chỉ bốn đơn vị vi phạm về quản lý, yêu cầu bốn xe chưa có luồng tuyến đăng ký hoạt động theo quy định, yêu cầu các đơn vị vận tải bố trí lại một số lái xe, phụ xe chưa đủ điều kiện, năng lực công tác nhằm tránh nguy cơ mất an toàn khi điều khiển phương tiện chuyên chở hành khách. Cùng với đó, các thanh tra viên đã xử lý hơn 800 vụ vi phạm chở quá khổ quá tải, phơi rơm rạ nông sản lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm vận tải đường thủy, đường bộ... xử phạt hành chính và nộp ngân sách Nhà nước hơn 104 triệu đồng.

Ban ATGT tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành 15 văn bản đôn đốc các địa phương tập trung mọi nguồn lực, làm tốt việc kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn nơi dân trí còn thấp rất dễ mắc các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Song song với đó, các địa phương cùng lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa 250 chợ cóc, 1.250 điểm tập kết vật liệu trái phép trên đường, tháo dỡ gần 1.000 lều quán, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang ATGT. Qua công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện 30.757 trường hợp vi phạm Luật Giao thông với các lỗi chủ yếu là: 8.658 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 6.929 trường hợp vi phạm tốc độ, 733 trường hợp vượt đèn đỏ, 353 trường hợp chở quá số người quy định... phạt tiền hơn 29.200 trường hợp, thu nộp vào ngân sách hơn 6 tỷ 239 triệu đồng.

Nhằm kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông trên địa bàn, công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trong trường học nhằm vào đối tượng là học sinh, sinh viên đã được tỉnh coi trọng. Ngoài việc mở các lớp hướng dẫn cách đội mũ bảo hiểm an toàn; tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; 100% số trường đều hướng dẫn ký cam kết giữa gia đình, học sinh và nhà trường không vi phạm trật tự ATGT. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triển khai tiểu dự án tại Yên Bái về ATGT đường bộ, tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Qua các việc làm đồng bộ như: xây dựng kế hoạch và ký kết với các hội, đoàn thể tổ chức hội thi ảnh về ATGT, hội thi nông dân với ATGT, hội thảo khoa học lồng ghép tuyên truyền tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông... đã góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia cũng như vận động gia đình, dòng họ, người thân có ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Theo đánh giá của Ðại tá Ðặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái thì vai trò công an xã trong việc kiềm chế tai nạn giao thông ở miền núi là rất quan trọng, vì lực lượng chính quy không thể "căng mình" ra tại vùng sâu, vùng xa, nơi còn tồn dư các phong tục mà cái "lý" của đồng bào nhiều khi thắng cả Luật hiện hành. Thí dụ như con gái Thái khi lấy chồng thì "Tằng cẩu" nghĩa là búi tóc cao lên sau gáy, không được xõa tóc như thời con gái, rất khó khăn trong việc đội mũ bảo hiểm. Lực lượng công an xã phải vận động, thuyết phục bằng cách: nếu cứ giữ phong tục cũ mà không đội mũ bảo hiểm thì đi bộ, còn muốn đi nhanh bằng xe mô- tô thì nhất thiết phải đội mũ, tùy chị em chọn cách nào thì chọn! Kết quả là 100% số chị em đều muốn giải phóng đôi chân. Ðồng thời Ban ATGT tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh ra các văn bản quy phạm cho phép công an xã các mức xử phạt hành chính trong vi phạm ATGT, do vậy tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở tỉnh Yên Bái rất cao, góp phần bảo vệ tính mạng cho người dân khi tham gia giao thông.

Nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật ATGT; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT của thủ trưởng các cấp; quản lý chất lượng kiểm định phương tiện trên địa bàn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống an toàn công trình giao thông, thì đối với tỉnh miền núi như Yên Bái, cần tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông gắn với thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Trên tuyến quốc lộ 70 chạy qua địa bàn tỉnh vừa được cải tạo, nâng cấp có mặt đường tốt đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do đường hẹp, rãnh thoát nước hai bên đường thiết kế rộng và sâu, hệ thống hộ lan và cảnh báo còn thiếu, sớm có giải pháp khắc phục để kiềm chế tai nạn giao thông trên tuyến này.

Theo ND

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)