Từ sau Tết nguyên đán đến nay, huyện Lý Sơn đưa vào khai thác cùng lúc 3 phương tiện tàu khách được mệnh danh là tàu cao tốc; trong đó có 1 tàu của huyện và 2 tàu của tư nhân góp vốn đầu tư. Tuy nhiên việc thu cước phí và thời gian vận chuyển hành khách trên tuyến giao thông này đang có nhiều vấn đề cần phải bàn.
Từ sau Tết nguyên đán đến nay, huyện Lý Sơn đưa vào khai thác cùng lúc 3 phương tiện tàu khách được mệnh danh là tàu cao tốc; trong đó có 1 tàu của huyện và 2 tàu của tư nhân góp vốn đầu tư. Tuy nhiên việc thu cước phí và thời gian vận chuyển hành khách trên tuyến giao thông này đang có nhiều vấn đề cần phải bàn.
Chất lượng phục vụ khác nhau nhưng giá vé ngang bằng!
Ba năm trước, tàu cao tốc Lý Sơn được nhà nước đầu tư đóng mới với khoản phí gần 20 tỉ đồng bằng nguồn kinh phí Biển Đông - Hải đảo. Chiếc tàu này được đóng theo công nghệ tiên tiến, vỏ tàu kết cấu bằng hợp chất kim loại vững chắc, cho phép tàu hoạt động ở thời tiết gió cấp 6 hoặc trên cấp 6.
Tàu cao tốc Lý Sơn cần phải được chấn chỉnh để phục vụ hành khách được tốt hơn.
Cuối năm 2008, thời điểm mà giá xăng dầu trong nước cũng như thế giới tăng ở mức kỷ lục, hoạt động của các hãng vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng có nguy cơ thua lỗ nặng, thì Ban Quản lý cảng Lý Sơn đã lập tờ trình xin nâng giá vé từ 50 ngàn đồng lên 70 ngàn đồng/vé, nhằm để bù lỗ và duy trì hoạt động, phục vụ việc đi lại của người dân địa phương.
Trước thực tế trên, huyện Lý Sơn đã thống nhất với giá vé mà Ban Quản lý cảng đề xuất, bởi tàu cao tốc Lý Sơn được trang bị đầy đủ từ thiết bị nghe nhìn, định vị, đến cứu hộ cứu nạn... Thời gian vận chuyển cho mỗi chuyến ra đảo hoặc vào đất liền so với tàu gỗ trước đây đã được rút ngắn từ hơn 2 giờ đồng hồ, xuống còn 45 đến 50 phút. Vì thế giá vé tàu cao tốc Lý Sơn ở mức 70 ngàn đồng là hợp lý.
Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là kể từ khi một số tư nhân trong huyện góp vốn đầu tư đóng mới 2 chiếc tàu cũng được mệnh danh là tàu cao tốc, nhưng vốn đầu tư chỉ bằng 1/3 và công suất máy cũng chỉ bằng 1/2 tàu cao tốc Lý Sơn và chỉ được phép hoạt động ở thời tiết gió cấp 5 cấp 6, thì đã tạo ra hiện tượng thiếu công bằng về giá thu cước phí đối với hành khách.
Tuy số vốn đầu tư chỉ bằng 1/3 tàu cao tốc Lý Sơn, nhưng giá vé 2 nhà tàu tư nhân thu của hành khách vẫn là 70 ngàn đồng, ngang bằng như giá cước mà tàu cao tốc Lý Sơn đã thực hiện từ trước đó. Nhiều hành khách tham gia đi lại trên tuyến giao thông này không đồng tình với mức giá trên. Trong khi đó thời gian chạy ra vào đảo của hai tàu này lên đến 65 - 70 phút.
Đem vấn đề bức xúc của hành khách hỏi các chủ tàu thì chỉ nhận được câu trả lời tương tự như: Nếu kéo ga, tăng tốc như thiết kế và công suất máy thì không có lời, vừa hao dầu, vừa mau hư hỏng máy.
Với những lời biện minh xem ra “có lý” của các nhà tàu, thì không biết đến bao giờ hành khách tham gia trên tuyến giao thông này mới hết khổ vì vừa bị trả tiền cước cao, vừa bị “hành hạ” do say sóng biển.
Hành khách có được là thượng đế?
Theo phản ánh của hành khách thường xuyên tham gia đi lại trên tuyến giao thông Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại, thì những hành khách vì lý do khách đông hết vé, nhưng lỡ xuống tàu thì chỉ còn biết đứng trên boong tàu phơi nắng, đội mưa, nhưng cũng phải bỏ ra 70 ngàn đồng cho chuyến đi của mình. Nếu hành khách nào không đưa đủ hoặc trả thiếu thì bị nhân viên nhà tàu lôi kéo, chì chiết.
Đơn cử như vào sáng ngày 16/6/2010 một người dân địa phương cũng là hành khách thường xuyên đi lại trên tuyến giao thông này, vì lý do khách đông, hết vé nhưng nhà tàu vẫn cố tình nhồi nhét thêm khách trên boong mặc cho trời nắng “cháy da cháy thịt”.
Khi nhân viên nhà tàu đến thu tiền, một số hành khách xin bớt chút ít vì không có ghế ngồi, nhưng lập tức bị nhân viên thu tiền nạt nộ và cho là quỵt vé.
Không chỉ riêng với tàu cao tốc của tư nhân, mà ngay tàu cao tốc Lý Sơn, một tàu của nhà nước đầu tư với nhiệm vụ phục vụ việc đi lại của nhân dân địa phương, thì cách hành xử kiểu này cũng đã từng xảy ra.
Sáng ngày 16/7/2010 vừa qua trong chuyến tàu từ đất liền về đảo hàng trăm hành khách có mặt tại cảng Sa Kỳ tỏ ra bất bình trước lý do mà nhà tàu đưa ra, đó là: Nếu chở khách chạy ra, không neo được ngoài đảo vì sóng to thì tàu sẽ phải chạy chuyến vào không khách, nên lỗ tiền dầu. Trong khi đó theo dự báo thời tiết thì vùng biển Quảng Ngãi – Khánh Hòa có gió đông nam mạnh cấp 4 – 5; bão số 1 còn ở tận Philippine. Cảng vụ đồng ý xuất bến, nhưng nhà tàu không chịu chạy chỉ vì lợi nhuận, còn hành khách thì không biết kêu ai.
Với những gì đang diễn ra trên tuyến giao thông này, thiết nghĩ các ngành chức năng của huyện Lý Sơn cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không để tình trạng này kéo dài, vừa thiệt hại đến quyền lợi của người dân, vừa làm mất thiện cảm đối với những hành khách ở đất liền lần đầu tiên bước chân xuống tàu ra với đảo Lý Sơn.
Hàng trăm hàng khách không có vé phải đứng trên boong tàu dưới cái nắng gay gắt.
Bảo Lễ (TTGT Quảng Ngãi)