Với hơn 100 km đường sông đang được khai thác trên 2 tuyến sông chính là sông Hồng và sông Luộc, hệ thống giao thông đường thủy ở Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động giao thông đường thuỷ, nhất là đối với các bến khách ngang sông đang tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Với hơn 100 km đường sông đang được khai thác trên 2 tuyến sông chính là sông Hồng và sông Luộc, hệ thống giao thông đường thủy ở Hưng Yên đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động giao thông đường thuỷ, nhất là đối với các bến khách ngang sông đang tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 30 bến đò ngang đang hoạt động chủ yếu trên 2 con sông chính là sông Hồng và sông Luộc, với nhiều phương tiện tham gia chuyên chở khách để giao thương với các tỉnh bạn như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, trong đó, Sở GTVT quản lý 19 bến, còn 11 bến bàn giao cho các địa phương trực tiếp quản lý. Mặc dù, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên tại các bến đò ngang sông vẫn còn nhiều bất cập, việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATGT đường thuỷ lại đang được các chủ phương tiện và người đi đò có phần coi nhẹ.
Tại các bến đò ngang sông Hồng nối Hưng Yên với Hà Nội vẫn đang diễn ra tình trạng mất an toàn, ẩn hoạ nguy cơ tai nạn đường thuỷ, nhất là trong đợt cao điểm của mùa mưa, lũ. Theo quy định thì chỉ có phà hai lưỡi mới bảo đảm các điều kiện an toàn khi qua sông, nhưng thực tế tại các bến khách ngang sông vẫn là phà một lưỡi hoạt động và tình trạng vận chuyển ô tô khi qua sông vẫn diễn ra hàng ngày. Đường lên xuống hầu hết không được làm bằng bê tông, độ dốc của đường chưa đúng với tiêu chuẩn. Thiết bị vận tải hầu hết không bảo đảm tiêu chí an toàn, số áo phao, phao tròn, bình cứu hoả được trang bị còn ít. Nhằm bảo đảm an toàn khi vận chuyển hành khách qua sông, vừa qua, thanh tra giao thông (Sở GTVT) đã tiến hành thanh, kiểm tra 19 bến khách ngang sông Hồng và Sông Luộc, trong đó có 3 bến không đủ điều kiện hoạt động do giấy phép mở bến đã hết hạn, gồm: Bến Tân Châu (xã Tân Châu, Khoái Châu), bến Phú Thịnh (xã Phú Thịnh, Kim Động) và bến Thị Giang (xã Nguyên Hoà, Phù Cừ). Tiến hành kiểm tra 19 phương tiện chở khách qua sông thì có tới 10 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động do vi phạm các lỗi như: giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn hoặc phương tiện không được trang bị đủ thiết bị cứu sinh, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận điều khiển máy phương tiện thuỷ nội địa theo quy định...
Bến đò Vườn Chuối, nằm trên địa bàn xã Nhuế Dương (Khoái Châu) là một trong những bến đò được hoạt động khá lâu. Phía bên kia bờ sông Hồng là địa phận của xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), bình quân mỗi ngày tại đây vận chuyển khoảng 100 lượt khách qua sông. Phương tiện cũng được trang bị hơn 20 bộ áo phao và 18 phao tròn để bảo đảm an toàn cho hành khách khi qua sông. Tuy nhiên, số áo phao này được trang bị chỉ để lấy lệ, bởi vì khách qua đò không có ai mặc áo phao. Một thực tế đáng buồn nữa mà chúng tôi ghi nhận tại bến đò Vườn Chuối đó là tình trạng các xe ô tô có tải trọng lớn hàng ngày vẫn “hồn nhiên” qua sông, bất chấp các quy định về ATGT đường thuỷ. Khi được hỏi thì nhân viên của bến giải thích: “Thỉnh thoảng cũng có 1-2 xe ô tô tải, xe taxi xin được qua sông, chúng tôi cũng đã nhắc nhở các lái xe. Mặc dù là phà một lưỡi nhưng cũng rất an toàn, hàng tháng chúng tôi đều bảo dưỡng hệ thống máy móc theo định kỳ. Bến được hoạt động mấy chục năm nay rồi nhưng đã xảy ra vụ tai nạn nào đâu (!?)”. Đành rằng chưa để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào, nhưng với cách giải thích của nhân viên bến là không thuyết phục mà thậm chí còn coi nhẹ đến sự an toàn, tính mạng của hành khách cũng như phương tiện khi qua sông.
Ông Đào Trung Thức, Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương cho biết: Hàng quý, UBND xã đều tổ chức kiểm tra định kỳ đối với bến đò trong việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, thậm chí vào mùa mưa lũ chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra. Tuy nhiên trên thực tế thì tình trạng bến đò vận chuyển ô tô khi qua sông vẫn diễn ra, đã nhiều lần UBND xã nhắc nhở và yêu cầu chủ đò cam kết, rút kinh nghiệm về vấn đề này nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Là một trong những bến hoạt động nhộn nhịp nhất khu vực huyện Khoái Châu, hàng ngày, bến Phương Trù, xã Tứ Dân chuyên chở khoảng 500-700 lượt khách và phương tiện qua sông Hồng, được hoạt động từ 5h đến 20h hàng ngày, bờ đối lưu với bến đò thuộc địa bàn xã Chương Dương, huyện Thường Tín (Hà Nội). Chủ đò và các nhân viên lái máy cũng đều được cấp giấy chứng nhận máy trưởng, thuyền trưởng và được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuât và bảo vệ môi trường phương tiện thuỷ nội địa. Hệ thống đường dẫn và các phương tiện cứu hộ cũng như phương tiện bảo đảm an toàn cho hành khách cũng được trang bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng lưu lượng hành khách. Tuy nhiên, việc trang bị các phương tiện trên đò cũng chỉ để chống chế và tình trạng vận chuyển ô tô qua sông vẫn diễn ra.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bảo đảm an toàn tại các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho biết: Tai nạn giao thông đường thủy thường xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện thiếu kiến thức chuyên môn, hiểu biết về Luật Giao thông đường thủy còn hạn chế nên thường vi phạm quy tắc: thiết bị không an toàn, không chấp hành các quy định về vận chuyển đường thủy, chở khách quá quy định, không có thiết bị áo phao … Trong khi lực lượng quản lý giao thông đường thủy mỏng, thiếu phương tiện tuần tra, kiểm soát, đồng thời việc quy hoạch phân luồng, tuyến sông còn thiếu nhất quán và chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng. Để bảo đảm ATGT đường thủy nội địa cần khắc phục tình trạng chở quá tải, giải tỏa các chướng ngại vật trên sông, kiên quyết xử lý các bến đò, bến khách ngang sông hoạt động không bảo đảm an toàn, không có giấy phép; người điều khiển phương tiện thủy không có chứng chỉ chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm theo quy định…