Để góp phần giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo một số trường học đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông cho học sinh, sinh viên thông qua những buổi sinh hoạt, học tập kiến thức giao thông ngoại khóa… từ đó đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Để góp phần giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông của học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo một số trường học đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông cho học sinh, sinh viên thông qua những buổi sinh hoạt, học tập kiến thức giao thông ngoại khóa… từ đó đã mang lại những hiệu quả tích cực.
Chấp hành tốt Luật khi nhận thức đúng
Xác định việc tham gia giao thông an toàn là vấn đề quan trọng và là bộ mặt của trường; ngay từ đầu năm học, các trường trên địa bàn TP.Cà Mau đã tập trung tuyên truyền phổ biến, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ cho toàn thể học sinh. Đồng thời tranh thủ các phiên họp, nhắc nhở từng giáo viên tích cực hướng dẫn đôn đốc học sinh thực hiện tốt các quy định khi tham gia giao thông. Gởi tận tay giáo viên chủ nhiệm các khối lớp nội dung hướng dẫn an toàn giao thông để từ đó giáo viên nghiên cứu và phổ biến lại cho học sinh thực hiện. Bộ phận chuyên môn chỉ đạo triển khai việc tuyên truyền kiến thức giao thông cho các em học sinh thông qua các tiết học: Giáo dục công dân, các buổi học tập sinh hoạt ngoại khóa… thường xuyên tổ chức học tập kiến thức giao thông cho các Bí thư Chi đoàn ở từng lớp, từ đó phổ biến lại cho đoàn viên lớp mình.
Thầy Bùi Đức Thắng - Bí thư Đoàn trường THPT Cà Mau (Phó ban An toàn giao thông) nhận định: Trường thành lập một đội cờ đỏ gồm 82 thanh niên xung kích là học sinh, phối hợp cùng 28 giáo viên xuyên suốt trực vào các buổi tan trường để phân luồng hướng dẫn cho học sinh đi đúng đường, đúng tuyến tránh những trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trường còn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp học về kiến thức giao thông cho học sinh. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh của trường vi phạm các lỗi về giao thông rất ít, không có trường hợp tai nạn giao thông nào xảy ra cho học sinh của trường. Việc phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn giao thông không chỉ được thực hiện ở các trường THCS hay THPT mà còn được triển khai ở cả bậc Tiểu học. Ngay từ những ngày đầu vào lớp 1, học sinh đã được các thầy cô hướng dẫn và rèn luyện dần về ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, tạo cho học sinh nếp sinh hoạt thường xuyên khi tham gia giao thông, từng bước giúp các em nhận thức tầm quan trọng của việc chấp hành tốt Luật giao thông.
Thầy Trần Minh Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tạo, cho biết: Lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần cân nhắc và đi đến quyết định tập dần cho học sinh làm quen với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ ở tất cả các khối lớp bằng các hình thức: Vào giờ tan trường, nhà trường tổ chức cho học sinh xếp thành hai hàng đi ra theo từng khối lớp. Kết hợp với Công an phường tổ chức sắp xếp lề đường thông thoáng để các em đi đúng đường, đúng tuyến, có giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn. Phối hợp tốt với phụ huynh đưa đón con em mình đúng nơi quy định. Ngoài ra, còn tổ chức lồng ghép vào chương trình học để giáo viên hướng dẫn giảng dạy cho các học sinh kiến thức pháp luật giao thông mỗi tuần một buổi. Từ đó tạo sự động thuận cao đối với phụ huynh học sinh, qua đó ý thức chấp hành của học sinh ngày càng tiến bộ rõ rệt.
Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận học sinh nhận thức chưa đúng tầm quan trọng của việc thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện xe mô tô, chở quá số người quy định, chạy lạng lách, đánh võng thường diễn ra… gây cản trở giao thông.
Cần nhiều lớp học thiết thực
Em Hoàng Thị Thanh Hương, học sinh lớp 12N trường THPT Cà Mau cho biết, nhờ những lớp học và những buổi sinh hoạt về kiến thức an toàn giao thông, giúp em thêm hiểu biết và tự tin khi lưu thông trên đường. Mong nhà trường tiếp tục duy trì những lớp học như vậy để giúp học sinh nâng cao kiến thức về luật giao thông. Em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 12A9 của trường thì cho rằng, việc lồng ghép phổ biến trong các tiết học, tạo sự hứng thú, giúp chúng em dễ tiếp thu kiến thức về luật giao thông. Thông qua sự hướng dẫn của thầy cô, chúng em dễ nắm vững kiến thức về an toàn giao thông, để tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu và chấp hành luật khi tham gia giao thông.
Cháu Phạm Ngọc Khánh, lớp 1A trường Tiểu học Nguyễn Tạo, nói trong sự hiểu biết non nớt của mình: Mấy ngày đầu khi vào học con còn lúng túng khi nghe cô dạy về cách thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, bây giờ con đã ý thức được việc phải xếp hàng khi ra về; phải đi trên lề đường không được đùa giỡn khi ra đường. Khi được ba mẹ chở đi chơi, con luôn đòi được đội nón bảo hiểm.
Học sinh, sinh viên là một trong những đối tượng có tác động không nhỏ đến văn hóa giao thông. Bởi đây là lực lượng dễ tiếp xúc, tuyên truyền hiệu quả làm thay đổi nhận thức của xã hội trong vấn đề chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Vì vậy, để làm tốt vai trò này cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhằm từng bước tạo ra ý thức văn hóa của người dân khi tham gia giao thông.
Báo Đất Mũi