Qua thực hiện tháng ATGTnăm 2010 trên địa bàn tỉnh, số vụ tai nạn và số người bị thương đều giảm đáng kể, nhưng mục tiêu làm giảm 5% số người chết vì tai nạn giao thông không đạt. Đáng lưu ý là vẫn còn đó nỗi lo người lái xe say rượu bia tham gia giao thông trên đường.
Qua thực hiện tháng ATGTnăm 2010 trên địa bàn tỉnh, số vụ tai nạn và số người bị thương đều giảm đáng kể, nhưng mục tiêu làm giảm 5% số người chết vì tai nạn giao thông không đạt. Đáng lưu ý là vẫn còn đó nỗi lo người lái xe say rượu bia tham gia giao thông trên đường.
Nỗi lo từ rượu bia
Có thể nhiều người biết đến tác hại của rượu bia đối với việc đảm bảo ATGT, nhưng việc chấp hành bảo đảm nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên đường hiện vẫn chưa triệt để. Trong tháng ATGT vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã kiểm tra xử phạt 80 người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Một cán bộ CSGT Công an TP.Biên Hòa cho biết, nếu CSGT thực hiện xử phạt gắt gao thì số người lái xe vi phạm nồng độ cồn còn cao gấp nhiều lần con số trên. Trong khi đó, theo ghi nhận của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trong tháng 9-2010, có 139 nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) vào đây cấp cứu có biểu hiện sử dụng rượu bia. Qua xét nghiệm của bệnh viện cho thấy, có khoảng 55% nạn nhân bị TNGT có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Đặc biệt, có một vụ TNGT làm chết 3 người mà theo ghi nhận ban đầu của CSGT thì các nạn nhân có biểu hiện sử dụng rượu, bia. Vụ tai nạn này xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn gần khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) vào khoảng 24 giờ ngày 17-9. Cả 3 nạn nhân đi chung trên một xe gắn máy và đụng vào một xe tải chạy ngược chiều dẫn đến tử vong.
Nhưng để thấy rõ tác hại của rượu bia đối với việc đảm bảo ATGT, có lẽ người ta cần đến chứng kiến tình cảnh của các nạn nhân bị chấn thương sọ não (CTSN) được điều trị ở Khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Các cán bộ, nhân viên y tế ở đây cho biết, đa số các trường hợp nạn nhân bị CTSN do TNGT đều có mùi rượu, bia khi tham gia giao thông. Thân nhân của những nạn nhân này dù có phần chống chế cho người thân của họ, nhưng phần lớn thừa nhận các nạn nhân đều có uống rượu, bia trước khi bị tai nạn.
Giải pháp nào?
Hiện nay, các nhà hàng, quán nhậu, karaoke... trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển nên ngày càng có nhiều người lái xe có nồng độ cồn từ các hàng quán này tham gia giao thông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một quán karaoke đắt khách trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có mức tiêu thụ mỗi ngày từ 20 - 30 thùng bia lon và hàng chục chai rượu các loại vào các ngày cuối tuần. Và, khách vào hát karaoke thường đã nhậu trước đó nên nồng độ cồn của họ thường khá cao sau khi đã "làm vài bài". Do vậy, mối lo ngại về tình trạng có nhiều người lái xe say rượu trên đường giao thông là có cơ sở. Đó là còn chưa kể nhiều trường hợp người lái xe tham gia lưu thông trên đường sau khi đã sử dụng rượu bia từ các buổi tiệc tùng, lễ lạt... với đồng nghiệp cơ quan, bạn bè...
Trước đây, lực lượng CSGT thường than phiền gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe, nếu họ không hợp tác (không chịu ngậm ống thổi hơi thở vào máy đo). Thế nhưng, theo Đại tá Võ Văn Sáng, Phó giám đốc Công an tỉnh, hiện lực lượng CSGT đã được trang bị máy đo nồng độ cồn thế hệ mới (người bị kiểm tra không cần trực tiếp ngậm ống thổi nhưng máy vẫn đo được) nên rất thuận lợi cho việc kiểm tra. Vấn đề còn lại là lực lượng CSGT cần mạnh tay hơn trong việc xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Được biết, mức xử phạt đối với người lái xe vi phạm nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 34 là rất nặng. Người lái mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo mức nồng độ cồn mà cảnh sát đo được. Người lái ô tô tuyệt đối không có nồng độ cồn khi lái xe, nếu vi phạm với nồng độ cao có thể bị phạt đến 6 triệu đồng. Có ý kiến cho rằng, với mức phạt nặng như quy định của Nghị định 34 thì người ta sẽ phải chọn lựa giữa việc đi nhậu về bằng taxi (hoặc xe ôm, vì tiền xe rẻ hơn tiền đóng phạt) với việc đóng tiền phạt (nếu bị CSGT kiểm tra gắt gao nồng độ cồn trên đường). Do đó, sẽ hạn chế được tình trạng người uống rượu bia lái xe trên đường.
Pháp luật đã quy định bằng Nghị định 34, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đã được trang bị phù hợp, nên việc phát hiện, xử phạt những người vi phạm nồng độ cồn lái xe trên đường là việc không khó với CSGT. Do vậy, nhiều người mong muốn CSGT mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn để hạn chế TNGT xảy ra từ những người sử dụng rượu bia tham gia lưu thông trên đường.
Báo Đồng Nai