*Những nguy cơ tiềm ẩn
Hậu Giang có mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Trong số các đường trục chính và các điểm giao thông thủy trong tỉnh thì tuyến sông xáng Xà No và sông Quản lộ Phụng Hiệp được xem là 2 trục giao thông huyết mạch và là cửa ngõ ra vào tỉnh với trên 1.000 lượt tàu, ghe qua lại chuyên chở số lượng lớn hành khách và hàng hóa mỗi ngày. Dọc theo các tuyến sông thì các bến đò ngang, đò dọc, bến vật liệu xây dựng, khu dân cư hình thành mang tính tự phát ngày càng nhiều. Phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi kết cấu hạ tầng giao thông thủy lại phát triển chậm. Những năm gần đây, thời tiết lại thất thường, lúc hạn hán kéo dài, nước cạn kiệt làm dòng sông bị thu hẹp gây khó khăn cho việc vận chuyển đi lại; khi mùa mưa lũ thì nước lại dâng cao gây sạt lở đất. Mặt khác, do tập quán của người dân vùng sông nước điều khiển phương tiện thủy theo kiểu “cha truyền con nối”, trình độ dân trí thấp kiến thức pháp luật về giao thông thủy còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy còn nhiều bất cập, nhất là trong việc đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, đăng ký, quản lý phương tiện. Thực trạng này là những khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các ngành chức năng nói chung và lực lượng CSGT nói riêng nhằm đảm bảo TTATGT đường thủy trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 219 bến đò ngang, đò dọc và 90 bến bốc xếp hàng hóa, nhưng chỉ có 64 bến có phép hoạt động; 17.235/24.378 phương tiện thủy các loại chưa đăng ký, 16.670/24.378 phương tiện chưa đăng kiểm. Đáng lưu ý hơn cả là qua kiểm tra 10.650 thuyền trưởng các loại thì chỉ có 431 người có bằng, 20.077 người lái phương tiện thì chỉ có 390 người có chứng chỉ và 267/14.058 người có giấy chứng nhận học tập. Như vậy, giữa phương tiện thủy hiện có so với người lái có bằng chứng chỉ chuyên môn là quá thấp (chưa tới 5%). Điều đó cho thấy nhu cầu học để lấy bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người dân là rất lớn, trong khi các cơ quan có thẩm quyền đào tạo thi lấy bằng lái hiện mới đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu. Vì vậy tình trạng “5 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật,...) còn diễn ra khá phổ biến. Đây thật sự là những nguy cơ vừa tiềm ẩn, vừa hiện hữu có thể dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm.
* Nỗ lực kiềm chế...
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã tham mưu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, đã tổ chức quán triệt cho cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thủy toàn tỉnh nắm vững và thực hiện đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 09/CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thủy, các chuyên đề về quy trình công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính và quy định điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường thủy của Bộ trưởng Bộ Công an, tổ chức ký kết liên ngành giữa Công an tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn. Song song đó, thông qua lực lượng báo cáo viên, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy, nhất là ở các khu dân cư, đối với chủ phương tiện đường thủy nội địa, đồng thời tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu Luật Giao thông đường thủy nội địa, thu hút đông đảo cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngoài ra, còn phối hợp với ngành văn hóa thông tin tổ chức hội thi sân khấu hóa thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, triển lãm ảnh, phát hàng ngàn tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền Luật Giao thông, tổ chức lễ phát động và phát miễn phí áo phao cho người đi đò ở một số điểm đông dân cư. Đặc biệt, đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phương án phòng chống lụt bão, cứu nạn trên các tuyến sông, địa bàn trọng điểm. Qua đó, đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt các biển báo mới, thay, bổ sung các biển báo cũ, mở nhiều đợt cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT đường thủy nội địa, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, cao điểm mùa mưa lũ hàng năm cũng được quan tâm. 5 năm qua, lực lượng cảnh sát giao thông thủy Công an Hậu Giang đã thực hiện gần 4.000 cuộc tuần tra kiểm soát với hơn 17.000 lượt đồng chí tham gia, qua đó đã phát hiện xử phạt 22.398 trường hợp vi phạm, nhắc nhở viết cam kết 1.708 trường hợp, lập biên bản xử lý 13.290 trường hợp với số tiền hơn 9 tỉ đồng, đã đình chỉ hoạt động 411 trường hợp, tước quyền sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn 55 trường hợp, tịch thu 139 bằng, chứng chỉ chuyên môn giả. Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, hàng không hóa đơn chứng từ với số lượng hàng chục ngàn gói, lập và phá 3 chuyên án, bắt 14 tên. Đáng chú ý trong số này là việc phá đường dây sản xuất tiêu thụ bằng, chứng chỉ chuyên môn giả quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở khu vực ĐBSCL. Hàng trăm bằng thuyền, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn giả được sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh, thông qua bọn môi giới cò mồi đã tiêu thụ trót lọt, mỗi bằng với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Qua phá án, đã bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ nhiều bằng thuyền, máy trưởng giả và tang vật có liên quan. Đặc biệt, thông qua công tác tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Công an Hậu Giang đã cứu được nhiều người chìm xuồng bị nước lũ cuốn trôi góp phần nâng cao hình ảnh người cảnh sát nhân dân “vì dân phục vụ”.
Đạt được những kết quả trên trước hết là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh có kế hoạch, biện pháp cụ thể chỉ đạo thực hiện theo từng thời gian, thời điểm, bước đầu thu hút sự quan tâm của chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia công tác đảm bảo TTATGT đường thủy. Phát động mở nhiều cao điểm lập lại an toàn giao thông đường thủy, có tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, chỉ rõ hạn chế yếu kém, nhất là trong công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc cấp phép, quản lý bến bãi, đò dọc, đò ngang, những bất cập trong thực hiện Nghị định 09 và nơi tạm giữ phương tiện vi phạm nhằm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận những nỗ lực rất đáng khen ngợi của cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông thủy, tuy lực lượng còn thiếu, quản lý địa bàn rộng nhưng vẫn đảm bảo được khâu tuần tra kiểm soát khép kín địa bàn. Riêng những tuyến địa bàn phức tạp thì có mặt 24/24 để làm nhiệm vụ, xử lý kịp thời các tình huống có liên quan.
* Tăng cường nhiều giải pháp
Tuy nhiên, theo dự báo tình hình TTATGT đường thủy còn diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường thủy vẫn còn xảy ra khá phổ biến như: lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy, phương tiện hoạt động không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên, người lái phương tiện không bằng chứng chỉ chuyên môn, thậm chí sử dụng bằng giả để đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi đó, bến bãi, phương tiện chở khách ngang sông thì không đủ điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có dụng cụ cứu sinh nhưng lại thường xuyên chở quá tải. Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng từng lúc chưa đồng bộ, nhịp nhàng, vai trò một số thành viên trong Ban chỉ đạo chưa cao... Để đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa nhất là trong mùa mưa bão, phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra, ngành cũng đã đề ra nhiều giải pháp cần tập trung: củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch đảm bảo TTATGT đường thủy, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế yếu kém, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xây dựng hình ảnh người cảnh sát giao thông đường thủy tận tụy, liêm khiết, vì nhân dân phục vụ. Đổi mới đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chú ý tập trung vào các đối tượng, người lái phương tiện và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là các lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, kiên quyết đình chỉ các bến bãi, đề nghị không cấp phép cho các bến đò không đủ điều kiện an toàn, phương tiện cũ nát, hoặc tái vi phạm xử lý nhiều lần. Phối hợp ngành chức năng rà soát, trang bị lắp đặt biển báo nơi giao nhau các tuyến sông, có nhiều tàu thuyền qua lại, phòng ngừa tai nạn giao thông xảy ra, tổ chức phát quang, vận động các hộ sống ven sông không che chắn tầm nhìn vi phạm TTATGT đường thủy. Đồng thời, duy trì tổ chức các buổi diễn tập cứu nạn trên sông, nâng cao khả năng thực hiện các thao tác cần thiết khi cứu người, tinh thần cảnh giác, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Nâng cao chất lượng và mở thêm các cơ sở đào tạo bằng, chứng chỉ nhất là ở tại địa phương, để các học viên dễ dàng tham gia khóa học, giảm được thời gian, chi phí đi lại tốn kém; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thủ tục phiền hà cho nhân dân trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện; tuyên truyền, vận động người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu, bia, nói không với bằng giả, nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
Báo Hậu Giang