Bắc Ninh: Chỉ thị tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh

Thứ tư, 27/10/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Ngày 27/10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để duy trì trật tự ATGT, phấn đấu quyết tâm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh (kể cả về số vụ, số người chết và bị thương), nhất là trong những tháng cuối năm 2010, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và trong mùa Lễ hội... Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương cần phối hợp, tập trung làm tốt các việc sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông.
Tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định của pháp luật; Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cơ quan Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự ATGT, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29.6.2007, số 05/2008/NQ-CP ngày 04.02.2008 của Chính phủ; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02.4.2010 của Chính phủ; Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chỉ thị số 18-CT/TU của Tỉnh uỷ; các văn bản chỉ đạo của Ban ATGT tỉnh trọng tâm là “Xây dựng nếp sống Văn hoá giao thông” khi tham gia giao thông…             Để mọi người tự giác chấp hành. Yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục.
Các địa phương có TNGT cao như các huyện: Quế Võ, Yên Phong, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh cần tập trung tổ chức rút kinh nghiệm kịp thời, tìm ra nguyên nhân cụ thể, để tích cực chỉ đạo các Ban, ngành, Đoàn thể, Lực lượng chức năng ở địa phương có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các đoàn thể các doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các thành viên trong tổ chức của mình gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; phải có chương trình thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật trật tự ATGT cho mọi thành viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị; ban hành quy chế khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT; không xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng với mọi hình thức đối với những người vi phạm pháp luật trật tự ATGT.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng các trường phổ thông, quản lý chặt chẽ học sinh về chấp hành pháp luật trật tự ATGT; thường xuyên nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự ATGT vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Đội; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh vi phạm pháp luật trật tự ATGT. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với học sinh chưa đủ tuổi, không có Giấy phép lái xe điều khiển môtô, xe gắn máy; Sở Giáo dục và Đào tạo quy định trách nhiệm của Hiệu trưởng các trường không tổ chức thực hiện nghiệm túc những quy định trên.
Công an tỉnh thông báo về cơ quan, trường học, phường, xã, tổ dân phố, Cụm dân cư những cán bộ, công chức, viên chức học sinh và người vi phạm pháp luật trật tự ATGT để kiểm điểm giáo dục.
2. Tăng cường thực hiện cưỡng chế thi hành pháp luật và các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
2.1. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các ngành liên quan và Ban ATGT các địa phương căn cứ kế hoạch số 1043/KH-UBND ngày 19.6.2009 của Chủ tịch UBND tỉnh, thống kê và xây dựng kế hoạch giải toả các tụ điểm vi phạm về TTATGT-TTCC; các điểm vi phạm hành lang bảo vệ ATGT theo Quy định của Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05.11.2004 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ; giải toả dứt điểm các vi phạm hành lang ATGT trên các tuyến Quốc lộ và Tỉnh lộ; các tụ điểm, chợ cóc, lều quán bán hàng trái phép, tập trung đông người dưới các gầm cầu vượt…theo văn bản số 5200/BGTVT ngày 29.7.2009 về việc thực hiện giai đoạn II, Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngăn chặn và chấm dứt hành vi ném đất đá,…lên tàu theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn số 4625/VPCP-CN ngày 20.8.2007 và của Cục Đường sắt Việt Nam tại công văn số 855/CĐSVN-VTPC ngày 02.8.2010;
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vi phạm về trật tự ATGT. Tập trung xử lý các trường hợp: Người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm chở quá số người cho phép, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; xe khách chở quá số người cho phép, đỗ đậu đón, trả khách không đúng quy định; xe tải chở quá tải trọng, để vật liệu vương vãi gây mất ATGT và vệ sinh môi trường; phương tiện cơ giới bị đình chỉ hoạt động do không đủ điều kiện lưu hành; các phương tiện vận tải thuỷ nội địa, đò ngang, đò dọc không đảm bảo các điều kiện về an toàn theo quy định, các bến bãi hoạt động trái phép….
2.2. Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; cơ quan quản lý đường bộ hoàn thiện bổ sung hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu giao thông; bổ sung sơn gờ vạch giảm tốc, hạn chế tốc độ tại các điểm giao nhau giữa các tuyến đường nhằm giảm xung đột giao thông; tiếp tục phát hiện và có giải pháp khắc phục các điểm đen về TNGT trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Khắc phục kịp thời hậu quả do mưa bão làm ảnh hưởng đến các công trình giao thông.
Thanh tra giao thông tỉnh, Thanh tra giao thông công chính, Thanh tra Môi trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý vận tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường.
2.3. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức giải toả vi phạm hành lang an toàn giao thông các trường hợp lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn trong phạm vi đã được đền bù, xử lý; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm tổ chức việc cưỡng chế, phá dỡ các công trình trái phép trên hành lang ATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn mình quản lý. Tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT trong vận tải đường thuỷ nội địa: Đò khách ngang sông và hoạt động của các bến bãi; khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông...
Triển khai thực hiện nghiêm túc các Văn bản chỉ đạo của Tỉnh và chấp hành tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định. Nếu địa phương, đơn vị nào thực hiện không nghiêm sẽ bị phê bình, kiểm điểm và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, Ban ngành theo chức năng nhiệm vụ nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này; Thường trực Ban ATGT tỉnh có trách nhiệm chủ động đôn đốc các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện; thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.
TK

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)