Những năm gần đây, phong trào làm đường bê-tông nông thôn ở Quảng Nam phát triển mạnh. Những con đường bùn lầy ngày nào đã dần dần được thay thế bằng những tuyến đường bê-tông phẳng lỳ.
Chưa bao giờ kế hoạch làm đường bê-tông giao thông nông thôn (GTNT) ở Quảng Nam lại kết thúc sớm như năm nay. Hầu hết các tuyến đường nằm trong kế hoạch bê-tông hóa năm 2009, các địa phương đều đã hoàn thành trước bão số 9. Nhờ vậy, sau khi bão số 9 đi qua, người dân các làng quê ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Tam Kỳ chỉ cần chặt cây ngã đổ ngang đường là có thể đi lại được ngay, không còn cảnh lội bì bõm như trước. Ðể có được những con đường phục vụ dân sinh, các huyện Duy Xuyên, Ðiện Bàn đã xây dựng quy định huy động nguồn lực trong dân cùng với nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước, cải tạo những tuyến đường liên thôn, liên xóm lầy lội, ngập bùn, ách tắc mùa mưa lũ.
Ban đầu chủ trương làm đường bê-tông được người dân ở một số thôn, xóm hưởng ứng tích cực, nhiều tuyến đường bê-tông được hình thành và hiệu quả mang lại rất lớn, nhưng không thể nhân rộng được, vì ngân sách địa phương có hạn. Muốn làm đường bê-tông người dân phải đóng góp một khoản tiền khá lớn, nhiều nơi người dân bỏ ra đến 70 - 80% kinh phí và ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 20 - 30%; trong khi đó, thu nhập của nhân dân còn thấp. Từ thực tế đó, năm 2001, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 19/2001/QÐ-UB (người dân quen gọi là cơ chế 19), theo đó, các địa phương ở đồng bằng, khi làm đường bê-tông nông thôn, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí, 70% còn lại do ngân sách huyện, xã và nhân dân địa phương đóng góp. Riêng các tuyến đường GTNT ở các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ đến 70%; ngân sách huyện, xã và người dân góp 30%. Khi có cơ chế mới, phong trào làm đường bê-tông giao thông đã bắt đầu bước sang thời kỳ mới.
Tại các huyện đồng bằng Thăng Bình, Duy Xuyên, Ðiện Bàn, Ðại Lộc..., người dân các xã đua nhau làm đường bê-tông. Chủ tịch UBND xã Bình Tú Võ Xuân Tùng cho biết, xã hiện nay kinh tế chưa phát triển mạnh, khi có "cơ chế 19", người dân hưởng ứng khá tích cực, đến cuối năm 2001, phần lớn các tuyến đường liên thôn, liên xóm với tổng chiều dài hơn 60 km đã được bê-tông hóa, dẫn đầu toàn huyện Thăng Bình. Những con đường bê-tông đã phát huy hiệu quả tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và lan rộng sang các xã lân cận như: Bình Trung, Bình An, Bình Chánh, Bình Phục... Từ đó, phong trào làm đường bê-tông đã lan rộng ra nhiều nơi trong huyện.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Nguyễn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhờ nguồn ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ, từ năm 2001 đến nay, phong trào làm đường bê-tông GTNT được người dân trong huyện đón nhận rất tích cực. Theo số liệu tập hợp từ các xã, thị trấn, năm 2009, toàn huyện đã bê-tông hóa được gần 50 km đường GTNT; tổng kinh phí đầu tư hơn 22 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 5,9 tỷ đồng, ngân sách huyện đầu tư 3,2 tỷ đồng; phần còn lại được trích từ ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp, với số tiền hơn 13,2 tỷ đồng. Ðến nay, toàn huyện Thăng Bình đã bê-tông hóa gần 335 km đường liên thôn, liên xóm với kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
Phong trào bê-tông đường GTNT đang phát triển mạnh tại các huyện trung du và miền núi. Chúng tôi về Hiệp Thuận - xã nằm ở phía tây, cách trung tâm thị trấn Tân An chừng 2 km. Ðây là một xã miền núi của huyện Hiệp Ðức, có địa hình phức tạp với 425 hộ dân. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề nông, đường sá đi lại khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp và tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao. Phó Chủ tịch UBND xã Mai Tấn Lực cho biết, do kinh tế chưa phát triển, người dân trong xã còn nghèo có nguyên nhân do đường sá đi lại khó khăn, cách trở. Những năm gần đây, Hiệp Thuận phát động nhân dân góp công và đóng tiền để nâng cấp nhiều tuyến đường huyết mạch của xã, với tổng chiều dài hơn 2,9 km. Riêng năm 2009, toàn xã đã làm đường bê-tông được 1,2 km đường liên thôn, liên xóm, với kinh phí đầu tư 536 triệu đồng, trong đó người dân góp cát, sỏi và ngày công, trị giá hơn 145 triệu đồng.
Huyện miền núi Tiên Phước, phong trào làm đường bê-tông được phát động khắp cả 15 xã, thị trấn. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong huyện đã tập trung mọi nguồn lực bê-tông hóa 18 tuyến đường GTNT, với chiều dài gần 19 km, tổng kinh phí đầu tư 8,5 tỷ đồng; nâng số chiều dài các tuyến đường bê-tông trên địa bàn huyện lên 86 km và xây dựng được 20 cầu, cống; với tổng kinh phí đầu tư 21,5 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam Trương Văn Cận phấn khởi báo tin, năm nay, các địa phương trong tỉnh đều hoàn thành kế hoạch làm đường GTNT của tỉnh. Năm 2009, toàn tỉnh đã thực hiện bê-tông 440 km đường GTNT, với kinh phí 192 tỷ đồng. Nổi bật nhất là huyện Phú Ninh, trong năm 2009 đã bê-tông hóa gần 58 km, dẫn đầu toàn tỉnh. Tiếp đến là các huyện: Thăng Bình, Ðiện Bàn, Ðại Lộc, Duy Xuyên, mỗi địa phương bê-tông hóa từ 40 đến 50 km đường liên thôn, liên xã. Sau chín năm phát động, toàn tỉnh đã nâng cấp và bê-tông 2.536 km đường GTNT. Tổng kinh phí đầu tư 765 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 372 tỷ đồng.
Từ khi các tuyến đường GTNT được bê-tông hóa đã tạo diện mạo mới cho nông thôn, cải thiện điều kiện đi lại cho người dân, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế ở các địa phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được của chương trình bê-tông hóa ở Quảng Nam vẫn chưa được như mong muốn, số tuyến đường đất trong tỉnh còn đến 66% số km chưa được bê-tông. Với các huyện miền núi, số km đường được bê-tông chỉ chiếm khoảng 17%, còn gần 30 xã chưa có đường ô-tô đến trung tâm. Từ nay đến năm 2020, Quảng Nam sẽ phấn đấu đạt mục tiêu bê-tông khoảng 6.410 km đường GTNT còn lại trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Nhân Dân