Sản phẩm MBH của những hãng có tên tuổi và thương hiệu nổi tiếng như Protec, Honda… giá thành từ 150-500 nghìn đồng, phù hợp với những người có điều kiện kinh tế khá. Song song với nó là những loại MBH mang nhãn hiệu H&H, HTH, HSL, SUNLUX… cũng có hình thức, kiểu dáng đẹp và phù hợp với đại đa số thành phần người tiêu dùng, có giá thành khoảng trên dưới 100 nghìn đồng một cái.
Dạo quanh thành phố Yên Bái có tới hơn chục điểm kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH), tập trung nhiều ở khu vực km3 phường Yên Ninh. Có thể nói, thị trường MBH tại thành phố Yên Bái tương đối đa dạng về kiểu dáng đẹp, màu sắc đủ loại với nhiều thương hiệu, giá thành phù hợp nhiều đối tượng người tiêu dùng.
Sản phẩm MBH của những hãng có tên tuổi và thương hiệu nổi tiếng như Protec, Honda… giá thành từ 150-500 nghìn đồng, phù hợp với những người có điều kiện kinh tế khá. Song song với nó là những loại MBH mang nhãn hiệu H&H, HTH, HSL, SUNLUX… cũng có hình thức, kiểu dáng đẹp và phù hợp với đại đa số thành phần người tiêu dùng, có giá thành khoảng trên dưới 100 nghìn đồng một cái.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn còn có hiện tượng kinh doanh MBH không có dấu hợp chuẩn “CS” hoặc dấu hợp qui “CR”; MBH giả dấu “CR”, MBH không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, thời gian gần đây có một số thông tin tuyên truyền sai về qui định tại Quyết định số 04/2008/QĐ0BKHCN như: “MBH có tem CS chỉ có giá trị đến hết tháng 8/2009. Bắt đầu từ ngày 01/9/2008 bắt buộc phải có tem CR, tem CS không có giá trị và sẽ bị công an xử phạt” hoặc “yêu cầu người tiêu dùng phải đổi MBH có dấu CR đang sử dụng”. Những loại mũ gắn dấu hợp qui “CR” mới đạt tiêu chuẩn.
Nhận được những phản ánh này, ngày 16/6/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 1445/BKHCN-TĐC, nội dung Công văn khẳng định những thông tin đó không đúng, những MBH dán tem “CS” là loại mũ mà cơ sở sản xuất MBH phải tự lấy mẫu để thực hiện thử nghiệm và thực hiện công bố MBH phù hợp với TCVN 5756:2001 (tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn đối với MBH).
Những loại mũ này vẫn tiếp tục được lưu thông trên thị trường khi đảm bảo các yêu cầu: sản xuất trước ngày 15/11/2008 và đáp ứng được các yêu cầu của Quyết định 51/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 18/10/2001 về việc bắt buộc công bố phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước; Quyết định số 52/2001/QĐ-BKHCN ngày 18/10/2001 về việc quản lý chất lượng MBH nhập khẩu; Quyết định số 29/2004/QĐ-Bộ KH&CN ngày 27/10/2004 về việc quản lý chất lượng MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô và xe máy.
Còn mũ có dán tem CR là các MBH phù hợp với một tiêu chuẩn có tên là QCVN 2:2008/BKHCN. Từ 15/11/2008, dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, MBH cũng phải được tổ chức chứng nhận hợp quy chẩn được chỉ định thực hiện đánh giá và chứng nhận phù hợp với quy chuẩn QCVN 2:2008/BKHCN thì mới được lưu thông trên thị trường. Như vậy, nếu như trước đây, cơ sở doanh nghiệp sản xuất MBH phải tự công bố chất lượng sản phẩm MBH và dán tem CS lên sản phẩm MBH thì nay phải được một tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định tiến hành chứng nhận thì mới được dán tem CR lên MBH do cơ sở mình sản xuất hay nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường.
Cũng tại thời điểm hiện tại, một số loại MBH có thương hiệu và được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng đang bị một số nhà sản xuất không chân chính lợi dụng giả mạo nhãn hiệu. Riêng đối với tỉnh Yên Bái đã xuất hiện loại MBH che nửa đầu không kính và mũ che cả đầu có kính mang nhãn hiệu Honda là loại mũ giả mạo. Những chiếc MBH xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda này nhìn hình thức bề ngoài tương đối giống với hàng chính hiệu, có dấu hợp quy “CR” nhưng không ghi nhãn hàng hoá, giá thành chỉ bằng 1/3 so với mũ Honda đạt tiêu chuẩn chất lượng (MBH xe máy Honda đảm bảo chất lượng từ 150.000đ/mũ trở lên).
Qua số liệu của đoàn thanh tra liên ngành về chất lượng MBH cho người đi mô tô xe máy tại: thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên, huyện Yên Bình, huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ cuối tháng 6 vừa qua, có tới 11/14 hộ kinh doanh MBH không đảm bảo điều kiện lưu thông. Số mũ vi phạm là 183 cái, tịch thu 105 cái, trong đó có 42 MBH mang nhãn hiệu Honda đã giả mạo nhãn hiệu Honda.
MBH là loại hàng hoá bắt buộc phải công bố về chất lượng, vì vậy những loại MBH đảm bảo yêu cầu chất lượng và được phép lưu thông bắt buộc phải thoả mãn các yêu cầu:
Về chất lượng: phải có hồ sơ công bố phù hợp qui chuẩn kỹ thuật; hồ sơ chứng nhận hợp qui mũ nhập khẩu; hồ sơ công bố hợp chuẩn do Tổng cục Tiêu chuẩn
- Đo lường và Chất lượng công bố; phải có dấu hợp chuẩn “CS” hoặc dấu hợp qui “CR” trên sản phẩm; phải có tem chứng nhận của các tổ chức chứng nhận được chỉ định hoặc logo của tổ chức chứng nhận/phòng thử nghiệm được chỉ định đối với MBH nhập khẩu.
Về ghi nhãn: Đối với MBH sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu lưu thông trước ngày 15/11/2008 phải có tối thiểu các thông tin: nhãn hiệu phù hợp tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền cấp; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; xuất xứ hàng hoá nhập khẩu (nếu là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất. Đối với MBH sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ 15/11/2008 thì nhãn hàng hoá phải ghi: cụm từ “MBH cho người đi mô tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất; cỡ mũ; tháng, năm sản xuất. Riêng đối với sản phẩm mũ nhập khẩu, ngoài những thông tin giống như mũ sản xuất trong nước phải có thêm thông tin về địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân phối và xuất xứ hàng hoá.
Như vậy, muốn mua cho mình sản phẩm MBH xe máy đảm bảo chất lượng thì người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để không bị mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng. Hãy tự bảo vệ chính mình và người thân khi tham gia giao thông bằng việc đội MBH xe máy đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng.
Theo Báo Yên Bái